Tôi muốn biết Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá ở Việt Nam được hình thành từ các nguồn nào? Nguyên tắc sử dụng Quỹ được quy định ra sao? - Kim Hồng (Bình Dương)
04 điều cần biết về Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá ở Việt Nam (Hình từ Internet)
1. Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá là gì?
Theo khoản 1 Điều 28 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012, Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá là quỹ quốc gia, trực thuộc Bộ Y tế và chịu sự quản lý nhà nước về tài chính của Bộ Tài chính. Quỹ là tổ chức tài chính nhà nước có tư cách pháp nhân, có con dấu và có tài khoản riêng.
Cụ thể, Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc được quản lý bởi Hội đồng quản lý liên ngành. Hội đồng quản lý liên ngành gồm có:
- Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Y tế
- Phó Chủ tịch là lãnh đạo Bộ Tài chính
- Các ủy viên là đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông và đại diện các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khác.
(Khoản 1 Điều 28 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012)
2. Mục đích và nhiệm vụ của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá
Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng huy động, cung cấp và điều phối nguồn lực tài chính của Quỹ cho các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá trên phạm vi toàn quốc.
Trong đó, Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá có nhiệm vụ hỗ trợ các hoạt động sau đây:
- Truyền thông về tác hại của thuốc lá và phòng, chống tác hại của thuốc lá phù hợp với từng nhóm đối tượng;
- Xây dựng, triển khai các mô hình điểm về cộng đồng, cơ quan, tổ chức không có khói thuốc lá; phát triển và nhân rộng các mô hình có hiệu quả;
- Tổ chức các chiến dịch, sáng kiến về phòng, chống tác hại của thuốc lá dựa vào cộng đồng; tư vấn việc tổ chức nơi dành riêng cho người hút thuốc lá tại các địa điểm công cộng;
- Tổ chức cai nghiện thuốc lá;
- Xây dựng, triển khai các mô hình điểm về cai nghiện thuốc lá dựa vào cộng đồng và phát triển, nhân rộng các mô hình có hiệu quả;
- Nghiên cứu đưa ra những bằng chứng phục vụ cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá;
- Xây dựng, hỗ trợ hoạt động, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho mạng lưới cộng tác viên làm công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá;
- Xây dựng nội dung và tổ chức đưa giáo dục về tác hại và phòng, chống tác hại của thuốc lá vào chương trình giáo dục phù hợp với các cấp học;
- Thực hiện các giải pháp chuyển đổi ngành, nghề cho người trồng cây thuốc lá, chế biến nguyên liệu thuốc lá, sản xuất thuốc lá.
(Điều 29 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012)
3. Nguồn hình thành Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá
Cụ thể tại khoản 1 Điều 30 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012, Quỹ được hình thành từ các nguồn sau đây:
- Khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình: 1,0% từ ngày 01/5/2013; 1,5% từ ngày 01 tháng 5 năm 2016; 2,0% từ ngày 01/5/2019.
Khoản đóng góp bắt buộc được khai, nộp cùng với thuế tiêu thụ đặc biệt do cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá tự khai, tự tính, tự nộp vào tài khoản của Quỹ;
- Nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước;
- Nguồn thu hợp pháp khác.
4. Nguyên tắc sử dụng Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá
Theo khoản 2 Điều 30 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012, Quỹ được sử dụng theo các nguyên tắc sau đây:
- Quỹ chỉ được sử dụng cho các nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều 29 và điểm e khoản 2 Điều 39 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012;
- Nội dung chi của Quỹ căn cứ vào kế hoạch hoạt động hằng năm, chương trình, chiến lược ngắn hạn, dài hạn, mục tiêu ưu tiên trong từng giai đoạn đã được Hội đồng quản lý liên ngành phê duyệt;
- Quỹ được thực hiện kiểm toán hằng năm theo quy định của pháp luật;
- Công khai, minh bạch;
- Bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn tài chính của Quỹ;
- Chi phí quản lý hành chính theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Thanh Rin
- Key word:
- Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá