Tôi muốn hỏi trong quá trình tố tụng của một vụ án hình sự thì cơ quan nào là cơ quan tiến hành tố tụng hình sự? - Minh Khánh (Đồng Nai)
Cơ quan tiến hành tố tụng hình sự gồm những cơ quan nào? (Hình từ Internet)
1. Cơ quan tiến hành tố tụng hình sự gồm những cơ quan nào?
Cơ quan tiến hành tố tụng hình sự theo khoản 1 Điều 34 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 gồm các cơ quan như sau:
1.1. Cơ quan điều tra
* Cơ quan điều tra có thể được hiểu là cơ quan tiến hành tố tụng, có nhiệm vụ áp dụng mọi biện pháp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định, tiến hành điều tra tất cả các tội phạm xảy ra theo thẩm quyền.
* Theo Điều 4, Điều 5, Điều 6 và Điều 7 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 thì cơ quan điều tra gồm các cơ quan sau:
(1) Cơ quan Điều tra của Công an nhân dân:
- Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an; Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
(2) Cơ quan Điều tra trong Quân đội nhân dân:
- Cơ quan An ninh điều tra Bộ Quốc phòng; Cơ quan An ninh điều tra quân khu và tương đương.
- Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng; Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương; Cơ quan điều tra hình sự khu vực.
(3) Cơ quan Điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao:
- Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương.
1.2. Viện kiểm sát
* Theo Điều 2 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 thì Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
* Hệ thống tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân theo Điều 40 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 như sau:
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.
- Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.
- Viện kiểm sát quân sự các cấp.
1.3. Tòa án
* Theo khoản 1 Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 thì Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.
Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Bằng hoạt động của mình, Tòa án góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác.
* Về hệ thống của Tòa án nhân dân theo Điều 3 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 bao gồm:
- Tòa án nhân dân tối cao.
- Tòa án nhân dân cấp cao.
- Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.
- Tòa án quân sự.
2. Trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự
Theo Điều 17 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự như sau:
- Trong quá trình tiến hành tố tụng, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải nghiêm chỉnh thực hiện quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về hành vi, quyết định của mình.
- Người vi phạm pháp luật trong việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.
Quốc Đạt
- Key word:
- Cơ quan tiến hành tố tụng hình sự