Xin hỏi Việt Nam có bao nhiêu loại đơn vị hành chính? Việc phân loại đơn vị hành chính được pháp luật quy định như thế nào? - Tuấn Ngọc (Quảng Ninh)
- Điều kiện thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính
- Phân định đơn vị hành chính của Việt Nam
Việt Nam có bao nhiêu loại đơn vị hành chính?
Căn cứ quy định tại Điều 2 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 thì Việt Nam có 4 loại đơn vị hành chính, cụ thể như sau:
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh);
- Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện);
- Xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã);
- Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Việt Nam có bao nhiêu loại đơn vị hành chính? (Hình từ internet)
Việc phân loại đơn vị hành chính được quy định ra sao?
Căn cứ quy định tại Điều 3 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 thì phân loại đơn vị hành chính là cơ sở để hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng tổ chức bộ máy, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức của chính quyền địa phương phù hợp với từng loại đơn vị hành chính.
Phân loại đơn vị hành chính phải dựa trên các tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính trực thuộc, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và các yếu tố đặc thù của từng loại đơn vị hành chính ở nông thôn, đô thị, hải đảo.
Đơn vị hành chính được phân loại như sau:
- Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt; các đơn vị hành chính cấp tỉnh còn lại được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III;
- Đơn vị hành chính cấp huyện được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III;
- Đơn vị hành chính cấp xã được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III.
Căn cứ vào quy định nêu trên, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể tiêu chuẩn của từng tiêu chí, thẩm quyền, thủ tục phân loại đơn vị hành chính.
Tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính
Căn cứ Điều 4 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 thì chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Chính quyền địa phương ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, huyện, xã. Chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phường, thị trấn.
Việc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cần đảm bao các nguyên tắc sau:
- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng pháp luật; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.
- Hiện đại, minh bạch, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân.
- Hội đồng nhân dân làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số.
- Ủy ban nhân dân hoạt động theo chế độ tập thể Ủy ban nhân dân kết hợp với trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
Mai Thanh Lợi
- Key word:
- đơn vị hành chính