Quyết định 707/QĐ-TCHQ năm 2022 phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành. Theo đó quy định tăng cường tương tác giữa cán bộ, công chức Hải quan với người dân, doanh nghiệp qua mạng xã hội.
Đẩy mạnh việc nghiên cứu và làm chủ các công nghệ then chốt của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư ngành Hải quan như thế nào?
Căn cứ Mục V Phần II Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định 707/QĐ-TCHQ năm 2022 quy định đẩy mạnh việc nghiên cứu và làm chủ các công nghệ then chốt của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư ngành Hải quan trong Chương trình Chuyển đổi số như sau:
- Đẩy mạnh việc chủ động nghiên cứu các công nghệ then chốt của Cách mạng Công nghiệp làn thứ tư và từng bước ứng dụng trong công tác quản lý nhà nước về hải quan như: Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Bigdata), Phân tích thông minh (BI), Di động (Mobility), Chuỗi khối (Blockchain), Ảo hóa (Cloud) và Trí tuệ nhân tạo (AI).
- Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức, trường đại học, các trung tâm nghiên cứu về công nghệ của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư trong quản lý nhà nước về hải quan.
Như vậy, trong tương lai các thủ tục, công tác quản lý điều hành trong ngành Hải quan sẽ ứng dụng các công nghệ tiên tiến như: Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Bigdata), Phân tích thông minh (BI), Di động (Mobility), Chuỗi khối (Blockchain), Ảo hóa (Cloud) và Trí tuệ nhân tạo (AI).
Tăng cường tương tác giữa cán bộ, công chức Hải quan với người dân, doanh nghiệp qua mạng xã hội
Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp ngành Hải quan như thế nào?
Căn cứ Mục V Phần II Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định 707/QĐ-TCHQ năm 2022 quy định đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp ngành Hải quan trong Chương trình Chuyển đổi số như sau:
- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho cán bộ, công chức hải quan ở tất cả các cấp một cách rộng rãi, qua nhiều kênh khác nhau, trong đó chú ý tập trung qua các cổng thông tin điện tử của ngành Hải quan và Báo Hải quan điện tử.
- Khuyến khích việc tăng cường tương tác giữa cán bộ, công chức Hải quan tương tác với người dân, doanh nghiệp sử dụng công nghệ số (thiết bị di động, mạng xã hội, các kênh thông tin phi truyền thống khác).
- Đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp có sử dụng hệ thống CNTT của Tổng cục Hải quan thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua thư điệ tử, ứng dụng di động trực tuyến đến người dùng.
- Người đứng đầu tại mỗi đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp về chất lượng việc gắn nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin với mục tiêu chuyển đổi số, cải cách văn hóa, phương thức làm việc và các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường an toàn, tích cực.
Các giải pháp khác trong thực hiện chuyển đổi số ngành Hải quan là gì?
Căn cứ Mục V Phần II Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định 707/QĐ-TCHQ năm 2022 bên cạnh những giải pháp nêu trên thì các giải pháp khác trong thực hiện chuyển đổi số ngành Hải quan được quy định như sau:
- Thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác quốc tế:
Đẩy mạnh hợp tác, học tập kinh nghiệm của Hải quan các nước tiên tiến nhằm đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ trong xây dựng và triển khai các hệ thống công nghệ thông tin Hải quan.
- Giải pháp tài chính:
+ Đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước, tỷ lệ giải ngân thực hiện các dự án, đề án, nhiệm vụ trọng tâm ứng dụng CNTT cao, tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
+ Tranh thủ sự hỗ trợ, viện trợ của các nước, các tổ chức quốc tế, các đối tác trong và ngoài nước trong quá trình triển khai ứng dụng CNTT.
+ Huy động các nguồn lực để triển khai các đề án, dự án ứng dụng công nghệ thông tin với quan điểm ứng dụng công nghệ thông tin là nền tảng để thực hiện
Chiến lược phát triển Tổng cục Hải quan.
- Giải pháp tổ chức:
+ Lãnh đạo Tổng cục Hải quan trực tiếp chỉ đạo, điều hành và quản lý việc tổ chức triển khai kế hoạch chuyển đổi số theo đúng kế hoạch được phê duyệt.
+ Tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức có liên quan để thực hiện hiệu quả triển khai ứng dụng CNTT trong lĩnh vực hải quan.
+ Thường xuyên, định kỳ kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai chuyển đổi số và những vấn đề còn tồn tại để có các giải pháp điều chỉnh kịp thời.
Khánh Linh
- Key word:
- cán bộ, công chức hải quan
- Mạng xã hội