Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội phê chuẩn

Tôi muốn biết quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội phê chuẩn được quy định thế nào? - Vĩnh Hiệp (Khánh Hòa)

Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội phê chuẩn

Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội phê chuẩn (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Các chức danh trong bộ máy nhà nước được Quốc hội phê chuẩn

Theo Điều 9 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 (sửa đổi 2020), các chức danh trong bộ máy nhà nước được Quốc hội phê chuẩn bao gồm:

- Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ theo danh sách đề cử chức vụ từng người.

- Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

- Quốc hội phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh theo đề nghị của Chủ tịch nước.

- Quốc hội phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

2. Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội phê chuẩn

Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội phê chuẩn được quy định tại Điều 13 Nghị quyết 85/2014/QH13, cụ thể như sau:

- Uỷ ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp Quốc hội.

- Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quyền trình bày ý kiến của mình trước Quốc hội.

- Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội.

- Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Quốc hội họp với các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội để trao đổi về các vấn đề có liên quan.

- Uỷ ban thường vụ Quốc hội báo cáo trước Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội.

- Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu.

- Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín.

Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm”, “không tín nhiệm”.

- Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu đối với người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm.

- Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

3. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bỏ phiếu tín nhiệm

Cụ thể tại Điều 6 Nghị quyết 85/2014/QH13 quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bỏ phiếu tín nhiệm như sau:

- Quốc hội, Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm bảo đảm đúng đối tượng, nguyên tắc, thời hạn và quy trình theo quy định Nghị quyết 85/2014/QH13.

- Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm tham gia lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân; cân nhắc thận trọng, khách quan, công tâm, công bằng khi thể hiện mức độ tín nhiệm.

- Người được lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo trung thực kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, kê khai tài sản, thu nhập cá nhân, những hạn chế, thiếu sót, phương hướng khắc phục và giải trình đầy đủ các nội dung mà đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân yêu cầu.

- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tập hợp, tổng hợp đầy đủ, kịp thời ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm (nếu có) gửi đến Quốc hội, Hội đồng nhân dân trước kỳ họp.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để vận động hoặc có hành vi trái pháp luật tác động đến đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Thanh Rin

688 lượt xem
  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;