Gần nhà tôi có cơ sở xử lý rác thải, xin hỏi mức phạt vi phạm quy định về sử dụng công trình bảo vệ môi trường? - Hải Dĩnh (Bình Phước)
- Quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp
- Quy định về ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu
- Quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác tàu bay
- Quy định mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản
Mức phạt vi phạm quy định về sử dụng công trình bảo vệ môi trường? (Hình từ internet)
Công trình bảo vệ môi trường là gì?
Theo Khoản 1, Khoản 2 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì môi trường bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội, sự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên.
Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Căn cứ Điều 46 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về công trình bảo vệ môi trường và vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án đầu tư sau khi được cấp giấy phép môi trường thì công trình bảo vệ môi trường của dự án đầu tư bao gồm:
- Công trình xử lý chất thải là công trình, thiết bị xử lý nước thải, bụi, khí thải, chất thải rắn và chất thải nguy hại;
- Công trình thu gom, lưu giữ chất thải rắn là công trình, thiết bị thu gom, lưu giữ chất thải rắn thông thường, chất thải rắn y tế, chất thải rắn nguy hại để đáp ứng yêu cầu phân loại, thu gom, lưu giữ, tái sử dụng, tái chế, vận chuyển chất thải rắn đến địa điểm xử lý hoặc tái sử dụng, tái chế;
- Công trình bảo vệ môi trường khác.
Mức phạt vi phạm quy định về sử dụng công trình bảo vệ môi trường
Theo quy định tại Khoản 8, Khoản 13 Điều 6 Luật Bảo vệ môi trường 2020 về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường có bao gồm:
- Không thực hiện công trình, biện pháp, hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Phá hoại, xâm chiếm công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường.
Căn cứ Điều 44 Nghị định 45/2022/NĐ-CP về vi phạm các quy định về bảo vệ, sử dụng công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Gây cản trở việc khai thác, sử dụng các công trình bảo vệ môi trường;
+ Trồng cây làm ảnh hưởng đến hành lang an toàn kỹ thuật của công trình bảo vệ môi trường.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi dịch chuyển trái phép các thiết bị, máy móc quan trắc môi trường.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng công trình làm ảnh hưởng đến hành lang an toàn kỹ thuật của công trình bảo vệ môi trường.
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi phá hoại, xâm chiếm công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường.
Ngoài ra theo Khoản 5 Điều 44 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ, sử dụng công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm quy định tại Điều 44 Nghị định 45/2022/NĐ-CP.
Như vậy, mức phạt vi phạm các quy định về bảo vệ, sử dụng công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường có thể lên đến 100.000.000 đồng với cá nhân và 200.000.000 đồng với tổ chức.
Ngoài ra, khi thuộc trường hợp tại Khoản 5 Điều 44 Nghị định 45/2022/NĐ-CP tổ chức, cá nhân vi phạm buộc phải thực hiện biện pháp khắc phụ hậu quả theo quy định.
Nguyễn Phạm Nhựt Tân
- Key word:
- bảo vệ môi trường