Khi nào được giảm, miễn tiền phạt vi phạm hành chính?

Phạt tiền là một trong những hình thức xử lý vi phạm hành chính phổ biến. Mức phạt tiền sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm và trong một số trường hợp người vi phạm sẽ được giảm, miễn tiền vi phạm hành chính.

Khi nào được giảm, miễn tiền phạt vi phạm hành chính? (Ảnh minh họa)

1. Giảm một phần tiền phạt vi phạm hành chính

Theo Khoản 1 Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi năm 2020) quy định về trường hợp giảm một phần tiền phạt vi phạm hành chính dù hoãn thi hành quyết định phạt tiền như sau:

- Đối với cá nhân:

+ Tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn;

+ Có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc;

- Đối với tổ chức:

+ Tiếp tục gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh;

+ Có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp.

2. Miễn phần tiền phạt vi phạm hành chính còn lại trong quyết định xử phạt

2.1 Đối với cá nhân

Theo Khoản 2 Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi năm 2020) quy định về miễn phần tiền phạt vi phạm hành chính còn lại trong quyết định xử phạt do không có khả năng thi hành quyết định:

- Đã được giảm một phần tiền phạt tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn.

Có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc;

- Đã nộp tiền phạt lần thứ nhất hoặc lần thứ hai trong trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần theo quy định tại Điều 79 của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi năm 2020) nhưng gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn.

Có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc;
 
(Trường hợp gặp khó khăn đột xuất về kinh tế do mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn phải có thêm xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện trở lên.)

2.2 Đối với tổ chức

Theo Khoản 3 Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định điều kiện để tổ chức được miễn phần tiền phạt còn lại ghi trong quyết định xử phạt:

- Đã được giảm một phần tiền phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi năm 2020) hoặc đã nộp tiền phạt lần thứ nhất hoặc lần thứ hai trong trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần theo quy định tại Điều 79 của Luật Vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi năm 2020);

- Đã thi hành xong hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quyết định xử phạt;

- Tiếp tục gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh.

Có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp.

3. Miễn toàn bộ tiền phạt vi phạm hành chính

3.1 Đối với cá nhân

Căn cứ Khoản 4 Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định các trường hợp cá nhân được miễn toàn bộ tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt, gồm:

- Đã được hoãn thi hành quyết định phạt tiền theo quy định tại Điều 76 của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi năm 2020) mà tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn;

Có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc.

- Bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng trở lên, đang gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn;

Có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc; trường hợp gặp khó khăn đột xuất về kinh tế do mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn phải có thêm xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện trở lên.

3.2 Đối với tổ chức

Tại Khoản 5 Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi năm 2020) quy định các điều kiện để tổ chức được miễn toàn bộ tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt:

- Đã được hoãn thi hành quyết định phạt tiền theo quy định tại Điều 76 của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi năm 2020);

- Đã thi hành xong hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quyết định xử phạt;

- Tiếp tục gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh;

Có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp.

Ngoài các điều kiện và trường hợp được quy định trên, theo Khoản 6 Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi năm 2020) quy định cá nhân, tổ chức phải có đơn đề nghị giảm, miễn tiền phạt kèm theo xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tương ứng gửi người đã ra quyết định xử phạt.

Trong 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn, người đã ra quyết định xử phạt cần xem xét, quyết định việc giảm, miễn thông báo cho người có đơn đề nghị giảm, miễn biết:

- Nếu không đồng ý với việc giảm, miễn thì phải nêu rõ lý do;

- Nếu đồng ý giảm, miễn thì quyết định giảm, miễn.

Ngọc Nhi

 

379 lượt xem
  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;