Cục Bổ trợ tư pháp là gì? Và cơ cấu tổ chức của Cục Bổ trợ tư pháp được quy định như thế nào? - Tuyết Lan (Kiên Giang)
- Sửa đổi 08 Thông tư liên quan đến TTHC trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp
- Giảm 02 đơn vị trong cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao
- Cục Bổ trợ tư pháp có nhiệm vụ gì trong quản lý tập sự hành nghề công chứng?
Cục Bổ trợ tư pháp là gì? Cơ cấu tổ chức của Cục Bổ trợ tư pháp (Hình từ Internet)
1. Cục Bổ trợ tư pháp là gì?
Theo Điều 1 Quyết định 759/QĐ-BTP ngày 18/4/2018 thì Cục Bổ trợ tư pháp là đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về lĩnh vực bổ trợ tư pháp, bao gồm:
+ Luật sư;
+ Tư vấn pháp luật;
+ Công chứng;
+ Giám định tư pháp;
+ Bán đấu giá tài sản;
+ Trọng tài thương mại;
+ Quản tài viên;
+ Thừa phát lại;
+ Hòa giải thương mại theo quy định của pháp luật và phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Cục Bổ trợ tư pháp là đơn vị có tư cách pháp nhân, có trụ sở tại thành phố Hà Nội, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.
2. Cơ cấu tổ chức của Cục Bổ trợ tư pháp
Cơ cấu tổ chức của Cục Bổ trợ tư pháp theo khoản 1 Điều 3 Quyết định 759/QĐ-BTP ngày 18/4/2018 như sau:
- Cơ cấu tổ chức của Cục gồm:
+ Lãnh đạo Cục:
Lãnh đạo Cục gồm có Cục trưởng và không quá 03 Phó Cục trưởng.
Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao của Cục.
Các Phó Cục trưởng giúp Cục trưởng quản lý, điều hành hoạt động của Cục; được Cục trưởng phân công trực tiếp quản lý một số lĩnh vực, nhiệm vụ công tác; chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về những lĩnh vực, nhiệm vụ công tác được phân công.
+ Các tổ chức trực thuộc Cục:
- Văn phòng Cục;
- Phòng Quản lý luật sư, tư vấn pháp luật;
- Phòng Quản lý công chứng, thừa phát lại;
- Phòng Quản lý đấu giá tài sản, trọng tài, hòa giải thương mại;
- Phòng Thanh tra bổ trợ tư pháp và quản lý giám định tư pháp;
Việc thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể các tổ chức trực thuộc Cục do Bộ trưởng quyết định trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác giữa các tổ chức trực thuộc Cục do Cục trưởng quy định.
3. Biên chế với Cục Bổ trợ tư pháp
Biên chế với Cục Bổ trợ tư pháp theo khoản 2 Điều 3 Quyết định 759/QĐ-BTP ngày 18/4/2018 thì biên chế hành chính của Cục thuộc biên chế hành chính của Bộ Tư pháp, do Bộ trưởng quyết định phân bổ trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Bổ trợ tư pháp
Nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Bổ trợ tư pháp theo Điều 2 Quyết định 759/QĐ-BTP ngày 18/4/2018 quy định như sau:
- Xây dựng, trình Bộ trưởng phê duyệt kế hoạch công tác dài hạn, 5 năm, hàng năm của Cục; tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển dài hạn, 5 năm và hàng năm của ngành Tư pháp.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng, trình Bộ trưởng chiến lược, quy hoạch và chính sách phát triển nghề luật sư, công chứng, giám định tư pháp, đấu giá tài sản, tư vấn pháp luật, trọng tài thương mại, quản tài viên, thừa phát lại, hòa giải thương mại.
- Chủ trì xây dựng dự án, đề án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Cục trình Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành; tham gia thẩm định, góp ý các dự án, dự thảo văn bản trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp và các văn bản khác do Bộ trưởng giao.
- Xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành và hướng dẫn sử dụng thống nhất mẫu văn bản, giấy tờ về luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, đấu giá tài sản, trọng tài thương mại, quản tài viên, thừa phát lại, hòa giải thương mại theo quy định của pháp luật.
- Rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Cục theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
- Tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chiến lược, chương trình, đề án, các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Cục.
- Theo dõi, tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
- Thực hiện thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, đấu giá tài sản, trọng tài thương mại và các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.
- Nhiệm vụ quản lý chuyên ngành về lĩnh vực luật sư, tư vấn pháp luật:
+ Tiếp nhận, thẩm tra hồ sơ trình Bộ trưởng quyết định việc cấp, thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy phép hành nghề tại Việt Nam đối với luật sư nước ngoài;
Gia hạn Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam đối với luật sư nước ngoài, giấy phép thành lập chi nhánh, công ty luật nước ngoài và giấy phép thành lập chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam;
Tiếp nhận, thẩm tra hồ sơ trình Bộ trưởng quyết định việc công nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp;
Tiếp nhận, thẩm tra hồ sơ thành lập cơ sở đào tạo nghề luật sư để trình Bộ trưởng quyết định cấp Giấy phép thành lập cơ sở đào tạo nghề luật sư; hướng dẫn và giám sát việc tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư;
+ Thực hiện các biện pháp chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước trong lĩnh vực luật sư, tư vấn pháp luật; theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực luật sư, tư vấn pháp luật theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ;
+ Ban hành theo thẩm quyền các văn bản, hướng dẫn nghiệp vụ về tổ chức và hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
- Nhiệm vụ quản lý chuyên ngành về lĩnh vực công chứng:
+ Tiếp nhận và thẩm tra hồ sơ trình Bộ trưởng quyết định việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm công chứng viên;
+ Quản lý việc tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng nghề công chứng;
+ Thực hiện các biện pháp chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước trong lĩnh vực công chứng; theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực công chứng theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ;
+ Ban hành theo thẩm quyền các văn bản, hướng dẫn nghiệp vụ về tổ chức và hoạt động công chứng theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
- Nhiệm vụ quản lý chuyên ngành về lĩnh vực giám định tư pháp:
+ Tập hợp, lập và đăng tải danh sách chung về người giám định tư pháp và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ;
Tiếp nhận và thẩm tra hồ sơ trình Bộ trưởng cho ý kiến về thành lập tổ chức giám định tư pháp công lập thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý lĩnh vực chuyên môn và địa phương;
+ Thực hiện các biện pháp chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước trong lĩnh vực giám định tư pháp; theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực giám định tư pháp theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ;
+ Ban hành theo thẩm quyền các văn bản, hướng dẫn nghiệp vụ về tổ chức và hoạt động giám định tư pháp theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
- Nhiệm vụ quản lý chuyên ngành về lĩnh vực đấu giá tài sản, trọng tài thương mại:
+ Tiếp nhận, thẩm tra hồ sơ trình Bộ trưởng cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá, thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá; hướng dẫn, kiểm tra việc cấp Thẻ đấu giá viên;
+ Tiếp nhận và thẩm tra hồ sơ trình Bộ trưởng cấp, thu hồi Giấy phép thành lập của Trung tâm Trọng tài, Giấy phép thành lập của Chi nhánh, Văn phòng đại diện của tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam; thẩm định dự thảo Điều lệ của Trung tâm Trọng tài để trình Bộ trưởng phê chuẩn;
+ Thực hiện các biện pháp chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước trong lĩnh vực đấu giá tài sản, trọng tài thương mại; theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực đấu giá tài sản, trọng tài thương mại theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ;
+ Ban hành theo thẩm quyền các văn bản, hướng dẫn nghiệp vụ về tổ chức và hoạt động đấu giá tài sản, trọng tài thương mại theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
- Nhiệm vụ quản lý chuyên ngành về lĩnh vực quản tài viên:
+ Tiếp nhận, thẩm tra hồ sơ trình Bộ trưởng cấp, thu hồi, cấp lại Chứng chỉ hành nghề quản tài viên;
+ Thực hiện các biện pháp chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản tài viên; theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực quản tài viên theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ;
+ Ban hành theo thẩm quyền các văn bản, hướng dẫn nghiệp vụ về tổ chức và hoạt động quản tài viên theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ;
+ Lập, công bố và quản lý danh sách Quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trong phạm vi cả nước; xây dựng cơ sở dữ liệu về Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
- Nhiệm vụ quản lý chuyên ngành về lĩnh vực thừa phát lại:
+ Tiếp nhận, thẩm tra hồ sơ trình Bộ trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm thừa phát lại;
+ Thực hiện các biện pháp chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước trong lĩnh vực thừa phát lại; theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thừa phát lại theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ;
+ Ban hành theo thẩm quyền các văn bản, hướng dẫn nghiệp vụ về tổ chức và hoạt động thừa phát lại theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ;
- Nhiệm vụ quản lý chuyên ngành về hòa giải thương mại:
+ Tiếp nhận và thẩm tra hồ sơ trình Bộ trưởng cấp, cấp lại, thu hồi, thay đổi nội dung Giấy phép thành lập của Trung tâm hòa giải thương mại, quyết định bổ sung hoạt động hòa giải thương mại cho Trung tâm trọng tài;
Cấp, cấp lại, thu hồi Giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam;
+ Thực hiện các biện pháp chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước trong lĩnh vực hòa giải thương mại; theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải thương mại theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ;
+ Ban hành theo thẩm quyền các văn bản, hướng dẫn nghiệp vụ về tổ chức và hoạt động hòa giải thương mại theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ;
+ Công bố danh sách hòa giải viên thương mại, danh sách tổ chức hòa giải thương mại trên toàn quốc.
- Theo dõi, quản lý hoạt động của Liên đoàn luật sư Việt Nam, Hiệp hội công chứng viên Việt Nam, các đoàn luật sư, các hội công chứng viên và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp khác thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
- Thực hiện việc sơ kết, tổng kết và tổng hợp số liệu thống kê định kỳ hoặc đột xuất về các lĩnh vực, nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý của Cục;
Xây dựng báo cáo về tình hình tổ chức và hoạt động về luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, đấu giá tài sản, trọng tài thương mại, quản tài viên, thừa phát lại, hòa giải thương mại để Bộ trưởng báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
- Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
- Giải quyết hoặc tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp hoặc tham gia tiếp công dân; thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục và phân cấp của Bộ.
- Quản lý và duy trì hoạt động của Trang thông tin bổ trợ tư pháp; ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng, cập nhật và quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
- Tham gia nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục; thực hiện chương trình cải cách hành chính theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
- Tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng và quản lý đội ngũ công chức và người lao động của đơn vị theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
- Thực hiện chế độ tài chính, kế toán, quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản của Cục theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật hoặc do Bộ trưởng giao.
Quốc Đạt
- Key word:
- Cục Bổ trợ tư pháp