Xin hỏi là trường hợp nào thì người tiến hành tố tụng trong vụ án hành chính phải thay đổi? - Quang Dũng (Hậu Giang)
- Quy định về tạm đình chỉ và đình chỉ vụ án hành chính
- Các trường hợp vụ án hành chính bị đình chỉ giải quyết
- Giải đáp vướng mắc về hành chính và tố tụng hành chính
09 trường hợp phải thay đổi người tiến hành tố tụng trong vụ án hành chính (Hình từ Internet)
1. Người tiến hành tố tụng gồm những ai?
Căn cứ Điều 36 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định về cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng như sau:
- Các cơ quan tiến hành tố tụng hành chính gồm có:
+ Tòa án;
+ Viện kiểm sát.
- Những người tiến hành tố tụng hành chính gồm có:
+ Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án;
+ Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.
2. Trường hợp phải thay đổi người tiến hành tố tụng trong vụ án hành chính
Tại Điều 45 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
(1) Đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự.
(2) Đã tham gia với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong cùng vụ án đó.
(3) Đã tham gia vào việc ra quyết định hành chính hoặc có liên quan đến hành vi hành chính bị khởi kiện.
(4) Đã tham gia vào việc ra quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện.
(5) Đã tham gia vào việc ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức hoặc đã tham gia vào việc ra quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức bị khởi kiện.
(6) Đã tham gia vào việc ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh bị khởi kiện.
(7) Đã tham gia vào việc lập báo cáo kiểm toán, ra quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước bị khởi kiện
(8) Đã tham gia vào việc lập danh sách cử tri bị khởi kiện.
(9) Có căn cứ rõ ràng khác cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
3. Trách nhiệm của người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng
Tại Điều 22 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng như sau:
- Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải tôn trọng Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân.
- Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Viện kiểm sát có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
- Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải giữ bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật; giữ gìn thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân theo yêu cầu chính đáng của đương sự.
- Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Trường hợp người tiến hành tố tụng có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
- Người tiến hành tố tụng trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân thì cơ quan có người có hành vi vi phạm pháp luật đó phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Ngọc Nhi
- Key word:
- Tố tụng hành chính