Cho tôi hỏi giám sát hải quan là gì? Hiện nay, quy định của pháp luật về giám sát hải quan như thế nào? – Mai Dung (TP. HCM)
- Thủ tục tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá từ ngày 01/7/2024
- Các trường hợp chấm dứt áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát hải quan
- Biểu mẫu thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan – Thông tư 39/2018/TT-BTC
Giám sát hải quan là gì? Quy định của pháp luật về giám sát hải quan (Hình từ Internet)
1. Giám sát hải quan là gì?
Theo khoản 5 Điều 4 Luật Hải quan 2014, giám sát hải quan là biện pháp nghiệp vụ do cơ quan hải quan áp dụng để bảo đảm sự nguyên trạng của hàng hóa, sự tuân thủ quy định của pháp luật trong việc bảo quản, lưu giữ, xếp dỡ, vận chuyển, sử dụng hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải đang thuộc đối tượng quản lý hải quan.
2. Đối tượng, phương thức, thời gian giám sát hải quan
Điều 38 Luật Hải quan 2014 quy định về đối tượng, phương thức và thời gian giám sát hải quan như sau:
2.1 Đối tượng giám sát hải quan
Đối tượng giám sát hải quan gồm hàng hóa, phương tiện vận tải, phương tiện vận tải nội địa vận chuyển hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan.
2.2 Phương thức giám sát hải quan
Các phương thức giám sát hải quan bao gồm:
- Niêm phong hải quan;
- Giám sát trực tiếp do công chức hải quan thực hiện;
- Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật.
Căn cứ kết quả phân tích, đánh giá rủi ro và các thông tin khác có liên quan đến đối tượng giám sát hải quan, cơ quan hải quan quyết định phương thức giám sát phù hợp.
Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa.
2.3 Thời gian giám sát hải quan
- Hàng hóa nhập khẩu chịu sự giám sát hải quan từ khi tới địa bàn hoạt động hải quan đến khi được thông quan, giải phóng hàng hóa và đưa ra khỏi địa bàn hoạt động hải quan;
- Hàng hóa xuất khẩu miễn kiểm tra thực tế hàng hóa chịu sự giám sát hải quan từ khi thông quan đến khi ra khỏi địa bàn hoạt động hải quan.
Trường hợp phải kiểm tra thực tế, hàng hóa xuất khẩu chịu sự giám sát hải quan từ khi bắt đầu kiểm tra thực tế hàng hóa đến khi ra khỏi địa bàn hoạt động hải quan;
- Hàng hóa quá cảnh chịu sự giám sát hải quan từ khi tới cửa khẩu nhập đầu tiên đến khi ra khỏi cửa khẩu xuất cuối cùng;
- Thời gian giám sát hải quan đối với phương tiện vận tải thực hiện theo quy định tại Điều 68 Luật Hải quan 2014.
3. Trách nhiệm của các bên trong hoạt động giám sát hải quan
3.1 Trách nhiệm của cơ quan hải quan
- Thực hiện các phương thức giám sát phù hợp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và bảo đảm quản lý hải quan đối với hàng hóa theo quy định của Luật Hải quan 2014.
- Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật bảo đảm giám sát hải quan theo quy định của Luật Hải quan 2014.
- Hướng dẫn, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về giám sát hải quan của người khai hải quan, doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi, cơ sở sản xuất hàng hóa xuất khẩu và các bên có liên quan.
3.2 Trách nhiệm của người khai hải quan, người chỉ huy hoặc người điều khiển phương tiện vận tải
- Chấp hành và tạo điều kiện để cơ quan hải quan thực hiện giám sát hải quan theo quy định của Luật Hải quan 2014.
- Bảo đảm nguyên trạng hàng hóa và niêm phong hải quan; vận chuyển hàng hóa theo đúng tuyến đường, lộ trình, thời gian được cơ quan hải quan chấp nhận.
Trường hợp hàng hóa bị mất, thất lạc hoặc hư hỏng thì người khai hải quan phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
- Sử dụng hàng hóa đúng mục đích khai báo với cơ quan hải quan.
- Sử dụng phương tiện vận chuyển hàng hóa đủ điều kiện theo quy định để cơ quan hải quan áp dụng các phương thức giám sát hải quan phù hợp.
- Xuất trình hồ sơ và hàng hóa cho cơ quan hải quan kiểm tra khi được yêu cầu.
- Trong trường hợp bất khả kháng mà không bảo đảm được nguyên trạng hàng hóa, niêm phong hải quan hoặc không vận chuyển hàng hóa theo đúng tuyến đường, lộ trình, thời gian thì:
+ Sau khi áp dụng các biện pháp cần thiết để hạn chế và ngăn ngừa tổn thất xảy ra phải thông báo ngay với cơ quan hải quan để xử lý.
+ Trường hợp không thể thông báo ngay với cơ quan hải quan thì tùy theo địa bàn thích hợp thông báo với cơ quan công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển để xác nhận.
3.3 Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi
- Bố trí địa điểm để lắp đặt phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ giám sát hải quan theo yêu cầu của cơ quan hải quan.
- Kết nối hệ thống thông tin quản lý hàng hóa của doanh nghiệp với hệ thống thông quan điện tử của cơ quan hải quan để quản lý hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan đưa vào lưu giữ, đưa ra khỏi khu vực cảng, kho, bãi.
- Thực hiện đầy đủ chế độ quản lý, thống kê, lưu giữ chứng từ, sổ sách, số liệu hàng hóa đưa vào lưu giữ, đưa ra khỏi khu vực cảng, kho, bãi theo quy định của pháp luật và xuất trình, cung cấp cho cơ quan hải quan khi có yêu cầu.
- Cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan hải quan trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát hàng hóa ra, vào, lưu giữ tại khu vực cảng, kho, bãi.
- Bảo quản, sắp xếp, lưu giữ nguyên trạng hàng hóa trong khu vực cảng, kho, bãi theo yêu cầu giám sát, quản lý của cơ quan hải quan.
- Chỉ cho phép vận chuyển hàng hóa ra, vào khu vực cảng, kho, bãi khi có chứng từ của cơ quan hải quan.
- Thực hiện quyết định của cơ quan có thẩm quyền về xử lý hàng hóa vi phạm.
(Điều 39, 40, 41 Luật Hải quan 2014)
Văn Trọng
- Key word:
- giám sát hải quan