Xin hỏi về quy trình hỗ trợ gạo cho học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn được quy định thế nào? - Hoàng Phú (Long An)
- Sớm hoàn thành việc rà soát, bổ sung danh sách thôn đặc biệt khó khăn
- Mức tiền thưởng đối với học sinh, sinh viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế
- Điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ học sinh vùng đặc biệt khó khăn
Quy trình hỗ trợ gạo cho học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn (Hình từ Internet)
1. Điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn
Theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 116/2016/NĐ-CP thì điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn như sau:
- Đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở phải bảo đảm một trong các điều kiện sau:
+ Là học sinh bán trú đang học tại trường phổ thông dân tộc bán trú;
+ Là học sinh mà bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn đang học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
Nhà ở xa trường khoảng cách từ 4 km trở lên đối với học sinh tiểu học và từ 7 km trở lên đối với học sinh trung học cơ sở hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn: Phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá;
+ Là học sinh mà bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi đang học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc xã khu vực II vùng dân tộc và miền núi. Nhà ở xa trường hoặc địa hình cách trở giao thông đi lại khó khăn cụ thể như quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị định 116/2016/NĐ-CP.
- Đối với học sinh trung học phổ thông là người dân tộc thiểu số, phải bảo đảm các điều kiện sau:
+ Đang học tại trường trung học phổ thông hoặc cấp trung học phổ thông tại trường phổ thông có nhiều cấp học;
+ Bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
Nhà ở xa trường khoảng cách từ 10 km trở lên hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn: Phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá.
- Đối với học sinh trung học phổ thông là người dân tộc Kinh, ngoài các Điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 116/2016/NĐ-CP còn phải là nhân khẩu trong gia đình thuộc hộ nghèo.
2. Quy trình hỗ trợ gạo cho học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn
Quy trình hỗ trợ gạo cho học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Điều 8 Nghị định 116/2016/NĐ-CP như sau:
(1) Xây dựng kế hoạch hỗ trợ gạo cho học sinh:
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch về nhu cầu hỗ trợ gạo cho học sinh của năm học với nội dung gồm:
+ Số lượng học sinh thuộc đối tượng hỗ trợ: Tổng hợp số lượng học sinh theo từng đối tượng, từng trường của từng địa phương;
+ Số lượng gạo cần hỗ trợ (tính cho cả năm học tối đa 9 tháng/năm học/học sinh);
+ Đơn vị tiếp nhận gạo: Là tổ chức, đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao nhiệm vụ tiếp nhận gạo dự trữ quốc gia;
+ Thời gian dự kiến tiếp nhận gạo trong năm học: Ghi rõ ngày, tháng nhận gạo (theo số đợt tiếp nhận gạo từng học kỳ).
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo kế hoạch về nhu cầu hỗ trợ gạo cho học sinh của tỉnh gửi Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 30 tháng 6 hằng năm.
(2) Quyết định hỗ trợ gạo cho học sinh:
Căn cứ báo cáo của Ủy ban nhân dân các tỉnh, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quyết định hỗ trợ gạo cho học sinh các địa phương trong năm học; thời gian ban hành Quyết định hỗ trợ gạo trước ngày 31/7 hằng năm.
(3) Phương thức vận chuyển, giao nhận:
- Các đơn vị dự trữ quốc gia tự tổ chức vận chuyển gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho học sinh và giao cho đơn vị tiếp nhận gạo của tỉnh tại trung tâm quận, huyện, thị xã, thành phố của các tỉnh được hỗ trợ;
- Đơn vị tiếp nhận gạo của tỉnh tổ chức vận chuyển gạo dự trữ quốc gia từ trung tâm quận, huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đến các trường học, cấp phát cho các đối tượng được hỗ trợ.
(4) Thời gian giao nhận gạo:
Thời gian giao nhận gạo cụ thể thực hiện theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhưng không quá 2 lần/học kỳ.
(5) Quy trình xuất cấp gạo:
- Bộ Tài chính chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc xuất cấp gạo dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho học sinh tại các địa phương;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức tiếp nhận gạo và cấp phát cho các đối tượng được hỗ trợ theo quy định.
(6) Quản lý và sử dụng gạo hỗ trợ học sinh:
- Gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ học sinh khi xuất cấp, tiếp nhận phải được quản lý chặt chẽ;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo đơn vị tiếp nhận gạo của tỉnh chủ động phối hợp với các ban, ngành, tổ chức có liên quan và chính quyền địa phương để có kế hoạch triển khai thực hiện, phân phối kịp thời gạo dự trữ quốc gia đến đúng đối tượng quy định.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý, phân phối, sử dụng gạo hỗ trợ cho học sinh của địa phương mình;
- Định kỳ kết thúc năm học, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi báo cáo việc tiếp nhận, phân phối gạo cho học sinh đến Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Quốc Đạt
- Key word:
- Học sinh