Hiện nay, nhiều sinh viên bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi học. Vậy cho tôi hỏi những trường hợp nào sẽ áp dụng hình thức buộc thôi học?- Ngọc An (TP.HCM)
Các trường hợp sinh viên sẽ bị buộc thôi học (Hình từ Internet)
1. Các trường hợp sinh viên sẽ bị buộc thôi học
1.1. Trường hợp sinh viên bị buộc thôi học đào tạo theo tín chỉ
Theo khoản 2 Điều 11 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT thì sinh viên bị buộc thôi học trong các trường hợp sau:
- Số lần cảnh báo học tập hoặc mức cảnh báo học tập vượt quá giới hạn theo quy định của cơ sở đào tạo;
- Thời gian học tập vượt quá giới hạn theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT:
Thời gian tối đa để sinh viên hoàn thành khóa học được quy định trong quy chế của cơ sở đào tạo, nhưng không vượt quá 02 lần thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khoá đối với mỗi hình thức đào tạo.
Đối với sinh viên học liên thông đã được miễn trừ khối lượng tín chỉ tích lũy, thời gian tối đa để sinh viên hoàn thành khóa học được xác định trên cơ sở thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa giảm tương ứng với khối lượng được miễn trừ.
1.2. Trường hợp sinh viên bị buộc thôi học đào tạo theo niên chế
Theo khoản 2 Điều 12 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT thì sinh viên bị buộc thôi học trong các trường hợp sau:
- Điểm trung bình năm học đạt dưới 0,8;
- Điểm trung bình tích lũy đạt dưới 1,2 sau 2 năm học, dưới 1,4 sau 3 năm học và dưới 1,6 từ sau 4 năm học trở đi;
- Thời gian học tập vượt quá giới hạn theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT:
Thời gian tối đa để sinh viên hoàn thành khóa học được quy định trong quy chế của cơ sở đào tạo, nhưng không vượt quá 02 lần thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khoá đối với mỗi hình thức đào tạo.
Đối với sinh viên học liên thông đã được miễn trừ khối lượng tín chỉ tích lũy, thời gian tối đa để sinh viên hoàn thành khóa học được xác định trên cơ sở thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa giảm tương ứng với khối lượng được miễn trừ.
2. Hình thức kỷ luật và nội dung vi phạm đối với sinh viên
Hình thức kỷ luật và nội dung vi phạm đối với sinh viên theo Điều 9 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT như sau:
- Những sinh viên có hành vi vi phạm thì tùy tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm có thể được nhắc nhở, phê bình hoặc phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau:
+ Khiển trách: áp dụng đối với sinh viên có hành vi vi phạm lần đầu nhưng ở mức độ nhẹ;
+ Cảnh cáo: áp dụng đối với sinh viên đã bị khiển trách mà tái phạm hoặc vi phạm ở mức độ nhẹ nhưng hành vi vi phạm có tính chất thường xuyên hoặc mới vi phạm lần đầu nhưng mức độ tương đối nghiêm trọng;
+ Đình chỉ học tập có thời hạn: áp dụng đối với những sinh viên đang trong thời gian bị cảnh cáo mà vẫn vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm nghiêm trọng các hành vi sinh viên không được làm; sinh viên vi phạm pháp luật bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo.
Tùy từng trường hợp cụ thể, Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học căn cứ vào quy chế đào tạo để quyết định thời hạn đình chỉ học tập theo các mức: đình chỉ một học kỳ, đình chỉ một năm học hoặc đình chỉ theo thời gian sinh viên bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo.
+ Buộc thôi học: áp dụng đối với sinh viên đang trong thời gian bị đình chỉ học tập mà vẫn tiếp tục vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm lần đầu nhưng có tính chất và mức độ vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến cơ sở giáo dục đại học và xã hội; vi phạm pháp luật bị xử phạt tù giam.
- Hình thức kỷ luật của sinh viên từ cảnh cáo trở lên phải được lưu vào hồ sơ quản lý sinh viên và thông báo cho gia đình sinh viên.
Trường hợp sinh viên bị kỷ luật mức đình chỉ học tập có thời hạn hoặc buộc thôi học, cơ sở giáo dục đại học phải gửi thông báo cho địa phương và gia đình sinh viên biết để phối hợp quản lý, giáo dục.
- Nội dung vi phạm và khung xử lý kỷ luật thực hiện theo quy định Phụ lục kèm theo Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT.
Quốc Đạt
- Key word:
- buộc thôi học
- Sinh viên