Thủ tục hòa giải tranh chấp liên quan đến giao dịch chứng khoán

Xin hỏi khi xảy ra tranh chấp liên quan đến giao dịch chứng khoán thì thủ tục hòa giải được quy định thế nào? - Hồng Ngọc (Đồng Nai)

Thủ tục hòa giải tranh chấp liên quan đến giao dịch chứng khoán

Thủ tục hòa giải tranh chấp liên quan đến giao dịch chứng khoán (Hình từ Internet)

Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam ban hành Quyết định 618/QĐ-SGDVN ngày 29/8/2022 về việc ban hành quy định hòa giải tranh chấp liên quan đến giao dịch chứng khoán giữa các thành viên của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

1. Thủ tục hòa giải tranh chấp liên quan đến giao dịch chứng khoán

Thủ tục hòa giải tranh chấp trong giao dịch chứng khoán theo Chương III Quy định ban hành kèm theo Quyết định 618/QĐ-SGDVN ngày 29/8/2022 như sau:

1.1. Yêu cầu hòa giải

- Khi phát sinh tranh chấp liên quan đến giao dịch chứng khoán giữa các thành viên, thành viên có nguyện vọng đề nghị Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam làm trung gian hòa giải thực hiện:

Gửi Đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp theo mẫu quy định tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Quy định ban hành kèm theo Quyết định 618/QĐ-SGDVN và các tài liệu liên quan đến nội dung hòa giải tranh chấp cho Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

- Trường hợp tranh chấp thuộc phạm vi giải quyết của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam nhận được Đơn, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam gửi thông báo cho thành viên được yêu cầu hòa giải kèm theo bản sao Đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp, các tài liệu liên quan đến nội dung hòa giải tranh chấp.

- Trường hợp tranh chấp không thuộc phạm vi giải quyết của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam nhận được Đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp của thành viên, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam có văn bản từ chối hòa giải tranh chấp cho thành viên và nêu rõ lý do.

1.2. Xác nhận thực hiện hòa giải

- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam gửi thông báo cho thành viên được yêu cầu hòa giải, thành viên có trách nhiệm xác nhận chấp thuận hay từ chối hòa giải bằng văn bản cho Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản từ chối hòa giải của thành viên hoặc quá thời hạn theo quy định mà Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam không nhận được văn bản trả lời của thành viên được yêu cầu hòa giải thì việc hòa giải không được thực hiện.

1.3. Chuẩn bị hòa giải

Trường hợp các thành viên chấp thuận hòa giải, việc chuẩn bị hòa giải được thực hiện như sau:

- Hội đồng hòa giải tìm hiểu sự việc, gặp gỡ, trao đổi với các thành viên tham gia hòa giải nhằm hỗ trợ cho các thành viên đạt được giải pháp cho vấn đề tranh chấp. 

Trường hợp không thể tiếp xúc cùng lúc với các thành viên tham gia hòa giải, Hội đồng hòa giải có thể gặp gỡ và trao đổi riêng biệt với từng thành viên. Hội đồng hòa giải sẽ thông báo cho thành viên tham gia hòa giải khác về các cuộc gặp gỡ, trao đổi riêng biệt này.

- Yêu cầu các thành viên có trách nhiệm hợp tác, cung cấp tài liệu, bằng chứng cho Hội đồng hòa giải để đảm bảo Hội đồng hòa giải thực hiện một cách hiệu quả nhất trong vai trò trung gian hòa giải.

- Sau khi hoàn thành việc trao đổi, gặp gỡ với các thành viên, Hội đồng hòa giải sẽ thông báo cho các thành viên về thời gian và địa điểm tổ chức phiên hòa giải.

1.4.Tổ chức phiên hòa giải

- Phiên hòa giải chỉ diễn ra khi có sự tham dự đầy đủ, hợp lệ của tất cả các thành viên tham gia hòa giải. Thành viên tham gia hòa giải phải cử người đại diện tham gia phiên hòa giải theo nguyên tắc sau:

+ Người đại diện phải là người theo pháp luật hoặc người được ủy quyền hợp pháp của thành viên;

+ Ngoài người đại diện theo quy định, các đối tượng khác có thể tham gia phiên hòa giải khi được sự chấp thuận của tất cả các thành viên tham gia hòa giải.

- Nội dung của phiên hòa giải

+ Hội đồng hòa giải tóm tắt lại các vấn đề tranh chấp cần hòa giải trước các thành viên tham gia hòa giải

+ Đại diện các thành viên trao đổi, bổ sung làm rõ nội dung vụ việc tranh chấp cần hòa giải (nếu cần);

+ Hội đồng hòa giải đề xuất phương án hòa giải để các thành viên tham gia hòa giải xem xét, thương lượng và chấp thuận. Các thành viên tham gia hòa giải có thể đề xuất phương án giải quyết tranh chấp khác để cùng Hội đồng hòa giải xem xét, thương lượng và chấp thuận.

- Trường hợp hòa giải thành công, các thành viên có nghĩa vụ thực hiện các thỏa thuận đạt được ghi trong biên bản hòa giải thành công. Trường hợp hòa giải không thành công, các thành viên có thể lựa chọn phương thức khác để giải quyết tranh chấp và được ghi rõ vào biên bản hòa giải.

1.5. Hoãn phiên hòa giải

- Phiên hòa giải được hoãn khi thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Một trong các thành viên được thông báo vắng mặt. Trường hợp vắng mặt lần thứ hai mà không vì sự kiện bất khả kháng thì chấm dứt hòa giải;

+ Khi một hoặc các thành viên không thể tham dự phiên hòa giải vì lý do bất khả kháng hoặc tại phiên hòa giải người được đại diện cho thành viên không đúng theo nguyên tắc quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 618/QĐ-SGDVN ngày 29/8/2022;

+ Theo yêu cầu của các thành viên tham gia phiên hòa giải.

- Khi hoãn phiên hòa giải, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam thông báo cho các thành viên tham gia phiên hòa giải.

- Thời gian hoãn phiên hòa giải do Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam quyết định và không quá 07 làm việc kể từ ngày ra thông báo hoãn phiên hòa giải.

1.6. Chấm dứt hòa giải

Việc hòa giải chấm dứt khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Một hoặc các thành viên không đồng ý tiếp tục hòa giải hoặc vắng mặt sau 02 lần được thông báo về việc hòa giải.

- Các thành viên tự hòa giải hoặc thống nhất với các phương án do Hội đồng hòa giải đề xuất.

- Các thành viên không đạt được thỏa thuận giải quyết tranh chấp liên quan đến hoạt động giao dịch.

- Khi một trong các thành viên nộp hồ sơ khởi kiện vụ việc ra tòa án hoặc đang trong quá trình giải quyết của tòa án hoặc yêu cầu một cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận và xử lý.

1.7. Chế độ bảo mật thông tin

Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và các thành viên tham gia hòa giải cam kết không công bố, giới thiệu hoặc sử dụng những ý kiến, kiến nghị, đề xuất hoặc kết quả thỏa thuận đạt được trong quá trình hòa giải để thực hiện vào những mục đích bất lợi cho các bên hoặc dùng cho mục đích khởi kiện tại tòa án, trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

2. Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hòa giải

Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hòa giải theo Điều 7 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 618/QĐ-SGDVN ngày 29/8/2022 bao gồm:

- Đồng ý hoặc từ chối hòa giải; yêu cầu hoãn hoặc chấm dứt hòa giải.

- Trực tiếp hoặc cử người đại diện hợp pháp tham gia phiên hòa giải.

- Được bày tỏ ý chí và quyết định về nội dung giải quyết hòa giải.

- Trình bày đúng sự thật các tình tiết của vụ việc; cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ có liên quan.

- Tôn trọng Hội đồng hòa giải, quyền của các bên có liên quan.

- Không gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa điểm hòa giải.

Quốc Đạt

276 lượt xem
  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;