Xin cho tôi hỏi dịch vụ bưu chính là gì? Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ bưu chính bao gồm những giấy tờ nào? - Minh Chính (Bình Định)
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ bưu chính (Hình từ Internet)
1. Dịch vụ bưu chính là gì?
Theo khoản 3 Điều 3 Luật Bưu chính 2010, dịch vụ bưu chính là dịch vụ chấp nhận, vận chuyển và phát bưu gửi bằng các phương thức từ địa điểm của người gửi đến địa điểm của người nhận qua mạng bưu chính, trừ phương thức điện tử.
Cụ thể dịch vụ công ích bao gồm:
- Dịch vụ bưu chính công ích là dịch vụ bưu chính được cung ứng theo yêu cầu của Nhà nước, gồm dịch vụ bưu chính phổ cập, dịch vụ bưu chính phục vụ quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ đặc thù khác.
- Dịch vụ bưu chính phổ cập là dịch vụ bưu chính được cung ứng thường xuyên đến người dân theo các điều kiện về khối lượng, chất lượng và giá cước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
(Khoản 4 và 5 Điều 3 Luật Bưu chính 2010)
2. Điều kiện cấp phép kinh doanh dịch vụ bưu chính
Doanh nghiệp được cấp giấy phép bưu chính khi có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Bưu chính 2010, cụ thể như sau:
- Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động bưu chính hoặc giấy chứng nhận đầu tư trong lĩnh vực bưu chính;
- Có khả năng tài chính, nhân sự phù hợp với phương án kinh doanh theo nội dung đề nghị được cấp giấy phép;
- Có phương án kinh doanh khả thi phù hợp với quy định về giá cước, chất lượng dịch vụ bưu chính;
- Có biện pháp đảm bảo an ninh thông tin và an toàn đối với con người, bưu gửi, mạng bưu chính.
3. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ bưu chính
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ bưu chính bao gồm:
- Giấy đề nghị giấy phép bưu chính theo mẫu tại Phụ lục I (ban hành kèm theo Nghị định 47/2011/NĐ-CP);
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
- Điều lệ doanh nghiệp (nếu có)
- Phương án kinh doanh;
- Mẫu hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính phù hợp với quy định của pháp luật về bưu chính;
- Mẫu biểu trưng, nhãn hiệu, ký hiệu đặc thù hoặc các yếu tố thuộc hệ thống nhận diện của doanh nghiệp được thể hiện trên bưu gửi (nếu có);
- Bảng giá cước dịch vụ bưu chính phù hợp với quy định của pháp luật về bưu chính;
- Tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ bưu chính công bố áp dụng phù hợp với quy định của pháp luật về bưu chính;
- Quy định về mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp phát sinh thiệt hại, quy trình giải quyết khiếu nại của khách hàng, thời hạn giải quyết khiếu nại phù hợp với quy định của pháp luật về bưu chính;
- Thỏa thuận với doanh nghiệp khác, đối tác nước ngoài bằng tiếng Việt, đối với trường hợp hợp tác cung ứng một, một số hoặc tất cả các công đoạn của dịch vụ bưu chính đề nghị cấp phép;
- Tài liệu về tư cách pháp nhân của đối tác nước ngoài quy định tại điểm k khoản 2 Điều 6 Nghị định 47/2011/NĐ-CP đã được hợp pháp hóa lãnh sự
- Hợp đồng nhượng quyền thương mại với doanh nghiệp đang cung ứng dịch vụ bưu chính (nếu có).
(Khoản 2 Điều 6 Nghị định 47/2011/NĐ-CP; sửa đổi, bổ sung tại Điểm b Khoản 4 Điều 1 Nghị định 25/2022/NĐ-CP)
4. Các trường hợp thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ bưu chính
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép bưu chính thu hồi giấy phép bưu chính nếu doanh nghiệp được cấp giấy phép có một trong những hành vi được quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Bưu chính 2010, cụ thể như sau:
- Hoạt động chống lại Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội;
- Cung cấp thông tin giả mạo hoặc cố ý gian dối để được cấp giấy phép;
- Không còn đủ các điều kiện để được cấp giấy phép;
- Cung ứng dịch vụ bưu chính không đúng với nội dung được ghi trong giấy phép, gây hậu quả nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
- Sau 01 năm kể từ ngày được cấp giấy phép chưa triển khai cung ứng dịch vụ bưu chính được ghi trong giấy phép;
- Cho thuê, cho mượn giấy phép; chuyển nhượng giấy phép trái pháp luật.
Thanh Rin
- Key word:
- kinh doanh dịch vụ bưu chính