Pháp luật quy định mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ có tên gọi riêng. Vậy doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải đặt tên như thế nào?
Doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải đặt tên như thế nào? (Hình từ internet)
1. Đặt tên doanh nghiệp
Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định đặt tên doanh nghiệp như sau:
- Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:
+ Loại hình doanh nghiệp:
Loại hình doanh nghiệp được viết là:
* “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn;
* “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần;
* “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh;
* “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân.
+ Tên riêng.
Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
Ví dụ: Công ty cổ phần Hoa xuân hoặc Công ty CP Hoa Xuân.
- Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.
- Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
2. Đặt tên hộ kinh doanh
Điều 88 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định đặt tên hộ kinh doanh như sau:
- Tên hộ kinh doanh bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:
+ Cụm từ “Hộ kinh doanh”;
+ Tên riêng của hộ kinh doanh.
Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu.
Ví dụ: Hộ kinh doanh Hoa Xuân.
- Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho hộ kinh doanh.
- Hộ kinh doanh không được sử dụng các cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp” để đặt tên hộ kinh doanh.
- Tên riêng hộ kinh doanh không được trùng với tên riêng của hộ kinh doanh đã đăng ký trong phạm vi cấp huyện.
Diễm My
- Key word:
- đặt tên doanh nghiệp
- đặt tên hộ kinh doanh