Chưa thực hiện cải cách tiền lương công chức trong năm 2023; Quốc hội phân bổ ngân sách trung ương năm 2023; 04 trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm; … là những nội dung sẽ có trong văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 28/11 - 04/12/2022).
1. Chưa thực hiện cải cách tiền lương công chức trong năm 2023
Đây là nội dung đề cập tại Nghị quyết 69/2022/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 được Quốc hội thông qua ngày 11/11/2022.
Cụ thể, Quốc hội đã quyết nghị chưa thực hiện cải cách tiền lương công chức trong năm 2023.
Ngoài ra, từ ngày 01/7/2023, Quốc hội cũng đồng ý thực hiện:
- Tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng;
(Hiện hành, mức lương cơ sở theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP là 1,49 triệu đồng/tháng).
- Tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp;
- Tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Từ ngày 01/01/2023, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị.
Xem thêm nội dung tại Nghị quyết 69/2022/QH15 có hiệu lực từ 26/12/2022.
2. Quốc hội phân bổ ngân sách trung ương năm 2023
Quốc hội thông qua Nghị quyết 70/2022/QH15 ngày 11/11/2022 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.
Theo đó, việc phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 được thực hiện như sau:
- Phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 theo từng lĩnh vực và chi tiết cho từng Bộ, cơ quan trung ương theo các Phụ lục số I, II, III và IV kèm theo Nghị quyết 70/2022/QH15.
- Phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 kinh phí thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia cho từng Bộ, cơ quan trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo Phụ lục số V kèm theo Nghị quyết 70/2022/QH15.
- Tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số bổ sung cân đối ngân sách, số bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương theo Phụ lục số VI, Phụ lục số VII kèm theo Nghị quyết 70/2022/QH15.
- Mức bội thu, mức vay bù đắp bội chi, vay để trả nợ gốc của ngân sách địa phương theo Phụ lục số VIII kèm theo Nghị quyết 70/2022/QH15.
Nghị quyết 70/2022/QH15 có hiệu lực từ 26/12/2022.
3. 04 trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm
Chính phủ ban hành Nghị định 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Theo đó, quy định về 04 trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm bao gồm:
- Đăng ký thế chấp tài sản, cầm cố tài sản, bảo lưu quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, luật khác liên quan;
- Đăng ký theo thỏa thuận giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm hoặc theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm, trừ cầm giữ tài sản;
- Đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ mà có nhiều bên cùng nhận bảo đảm hoặc trong trường hợp bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có thỏa thuận;
- Đăng ký thay đổi nội dung đã được đăng ký (sau đây gọi là đăng ký thay đổi); xóa đăng ký nội dung đã được đăng ký (sau đây gọi là xóa đăng ký) đối với 03 trường hợp nêu trên.
Nghị định 99/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/01/2023 và thay thế Nghị định 102/2017/NÐ-CP.
4. Có thể đăng ký cấp thẻ BHYT theo hộ gia đình trên Cổng Dịch vụ công
Đây là nội dung được đề cập tại Quyết định 3510/QĐ-BHXH ngày 21/11/2022 của BHXH Việt Nam về quy trình đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT đối với người chỉ tham gia BHYT trên Cổng dịch vụ công theo Quyết định 422/QĐ-TTg năm 2022.
Cụ thể, quy trình đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT đối với người thuộc nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình được quy định như sau:
- Bước 1: Người tham gia thực hiện kê khai đầy đủ, chính xác các trường thông tin theo Mẫu 01-TK trên Cổng dịch vụ công.
- Bước 2: Hệ thống phần mềm tự động kiểm tra, đối chiếu thông tin người tham gia kê khai.
Trường hợp thông tin kê khai chưa đúng thì hệ thống phần mềm hiển thị thông báo cho người tham gia biết thông tin chưa đúng, người tham gia kê khai thực hiện lại Bước 1 hoặc có thể đăng ký tham gia BHYT tại các tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT hoặc tại cơ quan BHXH.
- Bước 3: Người tham gia thực hiện nộp tiền trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công, nhận Biên lai thu tiền điện tử, nhận thông báo thời hạn trả thẻ BHYT hoặc thời hạn thẻ BHYT tiếp tục được sử dụng ngay khi giao dịch thành công.
- Bước 4: Sau khi nhận được số tiền của người tham gia, Hệ thống phần mềm tự động ghi nhận số tiền vào phần mềm; cập nhật hồ sơ, xác định thời gian tham gia, ghi quá trình đóng BHYT; tạo lập dữ liệu giá trị sử dụng thẻ BHYT cho người tham gia, …
- Bước 5: Sau khi hệ thống phần mềm thực hiện Bước 4, cán bộ thu, sổ thẻ kiểm tra hồ sơ, dữ liệu, trình Giám đốc BHXH tỉnh/huyện ký số thẻ BHYT bản điện tử hoặc in thẻ BHYT bản giấy theo quy định, chuyển cán bộ tiếp nhận và trả kết quả.
- Bước 6: Cán bộ tiếp nhận và trả kết quả tiếp nhận dữ liệu hoặc thẻ BHYT bản giấy, thực hiện việc phát hành, trả kết quả cho người tham gia; kết thúc quy trình giải quyết trên Phần mềm tiếp nhận và quản lý hồ sơ.
- Bước 7: Người tham gia nhận thẻ BHYT bản điện tử hoặc Thẻ BHYT bản giấy theo phương thức đã đăng ký.
Xem chi tiết quy trình trên tại Quyết định 3510/QĐ-BHXH có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |