Sẽ ban hành 02 Nghị định hướng dẫn Luật Căn cước 2023 trong năm 2024; Điều kiện thực hiện hỗ trợ khám bệnh chữa bệnh từ xa từ ngày 01/01/2024;... là những nội dung nổi bật tại các văn bản mới được cập nhật tuần vừa qua (từ ngày 08/01 - 14/01/2024).
Ngày 08/01/2024, Thủ tướng ban hành Quyết định 19/QĐ-TTg về Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật, Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp 6.
Cụ thể, trong năm 2024, Luật Căn cước 2023 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2024) sẽ có 02 Nghị định và 01 Thông tư hướng dẫn được ban hành, bao gồm:
- Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật Căn cước 2023 (Khoản 26 Điều 9; Khoản 11 Điều 10; Khoản 4 Điều 12; Khoản 2, Khoản 5 Điều 16; Khoản 6 Điều 22; Khoản 5 Điều 23; Khoản 5 Điều 25; Khoản 6 Điều 29; Khoản 6 Điều 30 và Khoản 4 Điều 41)
+ Cơ quan chủ trì: Bộ Công an
+ Cơ quan phối hợp thực hiện: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan
+ Thời hạn trình/ban hành: Trước ngày 01/5/2024
- Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử (Khoản 5 Điều 31, Khoản 5 Điều 34 và Khoản 4 Điều 41)
+ Cơ quan chủ trì: Bộ Công an
+ Cơ quan phối hợp thực hiện: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan
+ Thời hạn trình/ban hành: Trước ngày 01/5/2024
- Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật Căn cước 2023 (Khoản 4 Điều 18 và Khoản 5 Điều 41)
+ Cơ quan chủ trì: Bộ Công an
+ Cơ quan phối hợp thực hiện: Các bộ, ngành, cơ quan có liên quan
+ Thời hạn trình/ban hành: Trước ngày 15/5/2024
Xem thêm tại Quyết định 19/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 08/01/2024.
Đây là nội dung được đề cập tại Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023.
Theo đó, để thực hiện hỗ trợ khám bệnh chữa bệnh từ xa thì cần phải đáp ứng các điều kiện như sau:
(1) Cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn đã được cấp.
(2) Có hợp đồng cung cấp dịch vụ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa quy định rõ:
- Trách nhiệm, quyền lợi của cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ và cơ sở nhận hỗ trợ;
- Hạ tầng kỹ thuật, thiết bị công nghệ thông tin, thiết bị chuyên dụng, phần mềm công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin phù hợp với loại hình dịch vụ hỗ trợ;
- Lưu trữ và dự phòng dữ liệu, bảo đảm các yêu cầu về an toàn, an ninh thông tin theo quy định của pháp luật;
- Chi phí dịch vụ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa;
- Mức thỏa thuận chi phí hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Được biết, khám bệnh chữa bệnh từ xa là hình thức khám bệnh, chữa bệnh không trực tiếp tiếp xúc giữa người hành nghề và người bệnh mà việc khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện thông qua thiết bị, công nghệ thông tin.
Xem thêm Nghị định 96/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2024.
Ngày 11/01/2024, Chính phủ ban hành ban Nghị định 03/2024/NĐ-CP quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Theo đó, từ ngày 01/03/2024, Thanh tra sở được thành lập theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 Luật Thanh tra 2022 bao gồm:
- Thanh tra Sở Công Thương;
- Thanh tra Sở Giao thông vận tải;
- Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo;
- Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư;
- Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ;
- Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Thanh tra Sở Nội vụ;
- Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Thanh tra Sở Tài chính;
- Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường;
- Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông;
- Thanh tra Sở Tư pháp;
- Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao, Thanh tra Sở Du lịch;
- Thanh tra Sở Xây dựng;
- Thanh tra Sở Y tế.
Tại những sở không thành lập cơ quan thanh tra theo quy định nêu trên thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra sở căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực tại địa phương và biên chế được giao.
Trường hợp Thanh tra sở được luật quy định thì thực hiện theo quy định của luật và văn bản hướng dẫn thi hành.
Xem thêm tại Nghị định 03/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/03/2024.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 31/2023/TT-BGDĐT ngày 29/12/2023 về Quy chế xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở, trong đó việc đề cập đến số lần xét công nhận tốt nghiệp THCS trong một năm.
Cụ thể, từ năm học 2024-2025, số lần xét công nhận tốt nghiệp THCS trong một năm sẽ thực hiện như sau:
1) Đối với các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, trong năm có học sinh học hết lớp 9, tổ chức xét công nhận tốt nghiệp nhiều nhất 02 (hai) lần.
Trong đó:
- Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ nhất được thực hiện ngay sau khi kết thúc năm học.
- Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ hai (nếu có) được thực hiện trước khai giảng năm học mới.
(2) Đối với các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, trong năm có học sinh học hết lớp 9, tổ chức xét công nhận tốt nghiệp ít nhất 01 (một) lần ngay sau khi kết thúc năm học.
Hiện hành tại Quyết định 11/2006/QĐ-BGD&ĐT, mỗi năm xét công nhận tốt nghiệp một lần, ngay sau khi kết thúc năm học (theo biên chế năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo). Còn đối với học viên học theo chương trình giáo dục thường xuyên THCS, số lần xét công nhận tốt nghiệp trong một năm do sở giáo dục và đào tạo trình UBND cấp tỉnh quyết định.
Như vậy, kể từ ngày 15/02/2024, trong năm có học sinh học hết lớp 9 mà học sinh đó theo học hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở thì sẽ được tổ chức xét công nhận tốt nghiệp nhiều nhất 02 (hai) lần.
Lưu ý: Việc xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở theo Quyết định 11/2006/QĐ-BGD&ĐT sẽ vẫn áp dụng cho đến hết năm học 2023–2024.
Xem thêm tại Thông tư 31/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 15/02/2024 và thay thế Quyết định 11/2006/QĐ-BGD&ĐT.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |