Văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 02/12 - 08/12/2024)

Văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 02/12 - 08/12/2024)
Tan Dai

Khẩn trương ban hành đầy đủ bảng giá đất và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024; Nguyên tắc xây dựng Bộ chỉ số đối với sở Giáo dục và Đào tạo, phòng Giáo dục và Đào tạo… là những nội dung nổi bật tại các văn bản mới được cập nhật từ ngày 02/12 - 08/12/2024.

1. Khẩn trương ban hành đầy đủ bảng giá đất và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024

Ngày 30/11/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 124/CĐ-TTg tăng cường đôn đốc thu ngân sách nhà nước đối với các khoản thu liên quan đến đất đai trong tháng cuối năm 2024.

Theo đó, để góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước ở mức cao nhất, tạo đà thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Đẩy mạnh thực hiện việc lập quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết làm cơ sở để triển khai các dự án bất động sản hiệu quả, phù hợp, đồng bộ, hiện đại.

- Khẩn trương ban hành đầy đủ bảng giá đất và các nội dung khác được quy định chi tiết trong Luật Đất đai 2024 và văn bản hướng dẫn thi hành; Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Xây dựng phối hợp với các sở ban, ngành, liên quan tổ chức tốt công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư; tập trung làm tốt công tác thẩm định, xác định giá đất; đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất, quyền thuê đất đối với các dự án đã đủ điều kiện để Cơ quan thuế có cơ sở đôn đốc thu kịp thời vào NSNN đối với các khoản thu liên quan đến đất đai trên địa bàn.

- Tích cực chỉ đạo rà soát và xác định rõ số lượng hồ sơ đất đai còn tồn đọng, nguyên nhân, giải pháp và chỉ rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan; rà soát các dự án bất động sản đã triển khai trên địa bàn nhưng còn vướng mắc về thủ tục đầu tư, xây dựng, quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng,... để kịp thời tháo gỡ khó khăn và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét đối với những nội dung vượt thẩm quyền.

- Quyết liệt chỉ đạo các Sở, Ban, ngành rà soát những dự án đã có quyết định giao đất, không có vướng mắc nhưng chủ đầu tư không triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ, không thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính về đất đai thì tổ chức thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai, lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực để triển khai thực hiện, chống lãng phí.

- Đẩy mạnh công tác theo dõi, giám sát tình hình thị trường bất động sản tại địa phương để kịp thời có biện pháp, giải pháp phù hợp ổn định tình hình, giữ cho thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

- Tiếp tục duy trì và tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo chống thất thu và thu hồi nợ đọng thuế, chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương phối hợp chặt chẽ với Cơ quan thuế trong công tác quản lý thu, chống thất thu ngân sách, thu hồi nợ đọng đối với các khoản thu từ đất đai, khai thác tăng thu cho NSNN, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN ở mức cao nhất.

Xem thêm chi tiết tại Công điện 124/CĐ-TTg ban hành ngày 30/11/2024.

2. Nguyên tắc xây dựng Bộ chỉ số đối với sở Giáo dục và Đào tạo, phòng Giáo dục và Đào tạo

Ngày 29/11/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 3806/QĐ-BGDĐT về Bộ Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số đối với Sở giáo dục và đào tạo, Phòng giáo dục và đào tạo.

Cụ thể, các nguyên tắc xây dựng Bộ chỉ số đối với sở Giáo dục và Đào tạo, phòng Giáo dục và Đào tạo bao gồm:

- Bám sát yêu cầu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”, các quy định liên quan về chuyển đổi số của Bộ GDĐT.

- Đánh giá được công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức, hướng dẫn triển khai chuyển đổi số của các cơ quan chuyên môn quản lý giáo dục ở địa phương.

- Đảm bảo tính khoa học, phù hợp điều kiện thực tế ở địa phương; đánh giá thực chất, khách quan, minh bạch, công bằng và khả thi trong áp dụng.

- Kết quả chuyển đổi số của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý[3] là một phần trong đánh giá mức độ chuyển đổi số của các cơ quan chuyên môn quản lý giáo dục.

- Bộ chỉ số có tính mở, cập nhật phù hợp với tình hình thực tế.

Xem thêm chi tiết tại Quyết định 3806/QĐ-BGDĐT có hiệu lực từ từ ngày 29/11/2024.

3. 03 nguyên tắc được áp dụng trong thí điểm xử lý vật chứng trong quá trình điều tra vụ án hình sự từ 01/01/2025

Ngày 28/11/2024, Quốc hội ban hành Nghị quyết 164/2024/QH15 thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án hình sự.

Các nguyên tắc được áp dụng trong thí điểm xử lý vật chứng trong quá trình điều tra vụ án hình sự được quy định cụ thể tại Điều 2 Nghị quyết 164/2024/QH15 bao gồm:

- Tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật về hình sự, dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, thi hành án dân sự.

- Đáp ứng yêu cầu thực tiễn, xử lý kịp thời, hiệu quả vật chứng, tài sản nhưng không làm ảnh hưởng đến việc chứng minh, giải quyết vụ việc, vụ án; sớm khắc phục hậu quả thiệt hại, đưa tài sản vào khai thác, sử dụng, nhằm khơi thông nguồn lực phát triển, tránh thất thoát, lãng phí; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Bảo đảm kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, giám sát của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật; bảo đảm trách nhiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Viện kiểm sát trong quá trình xử lý vật chứng, tài sản; xử lý nghiêm hành vi vi phạm, lạm dụng, tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong quá trình áp dụng biện pháp xử lý vật chứng, tài sản.

- Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo, quyền được Nhà nước bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Xem thêm chi tiết tại Nghị quyết 164/2024/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

4. Yêu cầu: Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Ngày 01/12/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 125/CĐ-TTg đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo đó, để tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

- Hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đề xuất sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2013.

- Tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát lại toàn bộ tài sản công, trụ sở làm việc không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả và đề xuất phương án xử lý theo quy định, không để lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Xem thêm chi tiết tại Công điện 125/CĐ-TTg ban hành ngày 01/12/2024.

0 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;