Đến năm 2030, sẽ giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước; Tiêu chuẩn xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học, nghệ thuật từ 20/5/2024;… là những nội dung nổi bật tại các văn bản mới được cập nhật từ ngày 01 - 07/04/2024.
Đây là nội dung tại Nghị quyết 38/NQ-CP ngày 02/4/2024 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận 62-KL/TW năm 2023 về việc thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, Chính phủ đã đưa các chỉ tiêu phấn đấu thực hiện Kết luận 62-KL/TW năm 2023 như sau:
- Đến năm 2025:
+ Tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021, bảo đảm các đơn vị sự nghiệp công lập sau sắp xếp phải có tổ chức bộ máy phù hợp, cơ cấu đội ngũ cán bộ, viên chức gắn với vị trí việc làm, phương thức quản lý theo hướng tiên tiến, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học - công nghệ; hiệu quả hoạt động được đánh giá dựa trên sản phẩm, kết quả công việc.
Đối với bộ, ngành, phấn đấu giảm 13,5% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành so với năm 2021, hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trước 31 tháng 12 năm 2024.
Các bộ, ngành, địa phương đã đạt mục tiêu giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2015 - 2021 thì tiếp tục thực hiện việc sắp xếp để bảo đảm đến năm 2025 giảm tối thiểu tối thiểu bình quân cả nước 20% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015.
Các bộ, ngành, địa phương đã đạt mục tiêu giảm tối thiểu 20% đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2015 - 2025 thì tiếp tục rà soát, đẩy mạnh sắp xếp để thu gọn đầu mối, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết 19-NQ/TW đặt ra đến năm 2030 theo yêu cầu tại Kết luận 62-KL/TW.
+ Đối với biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước, thực hiện theo lộ trình tinh giản biên chế của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị.
+ Phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính. Đối với bộ, ngành, phấn đấu đạt trên 60% đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên.
+ 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần.
+ Tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016 - 2020.
- Đến năm 2030: Phấn đấu chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025; giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021 - 2025.
Xem thêm tại Nghị quyết 38/NQ-CP ngày 02/4/2024.
Ngày 04/04/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 36/2024/NĐ-CP hướng dẫn xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật.
Cụ thể, các tiêu chuẩn xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học, nghệ thuật được quy định như sau:
(1) Tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật được công bố, sử dụng từ năm 1993 trở về trước phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:
- Đặc biệt xuất sắc; có giá trị rất cao về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng;
- Có tác dụng lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống Nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam.
(2) Tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật được công bố, sử dụng sau năm 1993, phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:
(i) Đặc biệt xuất sắc; có giá trị rất cao về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng;
(ii) Có tác dụng lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống Nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam;
(iii) Được tặng ít nhất một Giải Vàng tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn học, nghệ thuật cấp quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hoặc các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn học, nghệ thuật do Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành trung ương tổ chức hoặc giải thưởng tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn học, nghệ thuật quốc tế;
(iv) Mỗi tác phẩm trong cụm tác phẩm hoặc mỗi công trình trong cụm công trình về văn học, nghệ thuật phải đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại (iii);
Kịch bản được dựng thành phim và công chiếu hoặc kịch bản được dàn dựng thành vở diễn và công diễn hoặc kịch bản múa được dàn dựng và công diễn phải đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại (iii).
Nghị định 36/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/5/2024.
Đây là nội dung được đề cập tại Thông tư 06/2024/TT-BGTVT ngày 31/03/2024 về Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về đường bộ cao tốc do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.
Theo đó, đường bộ cao tốc là một cấp kỹ thuật của đường bộ, dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định.
Trong đó, đường bộ cao tốc phải đảm bảo 04 yêu cầu chung như sau:
(i) Kết cấu công trình đường bộ cao tốc phải bảo đảm ổn định, bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên.
(ii) Đường bộ cao tốc có quy mô tối thiểu 04 làn xe chạy (02 làn xe cho mỗi chiều), có làn dừng xe khẩn cấp được bố trí liên tục (trừ các vị trí: qua cầu có khẩu độ nhịp từ 150,00 m trở lên; cầu có trụ cao từ 50,00 m trở lên; hầm; có bố trí làn tăng, giảm tốc; làn phụ leo dốc).
(iii) Các công trình gắn với đường bộ cao tốc bao gồm: Trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến; Trạm dừng nghỉ; Hệ thống thu phí điện tử không dừng đối với tuyến đường có thu phí; Trạm kiểm tra tải trọng xe; Hàng rào bảo vệ.
(iv) Mặt cắt ngang đường bộ cao tốc có thể được bố trí trên cùng một nền đường hoặc hai chiều xe chạy được bố trí trên hai nền đường riêng biệt.
Xem chi tiết tại Thông tư 06/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/10/2024.
Ngày 29/3/2024, Thủ tướng ban hành Quyết định 257/QĐ-TTg về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
Theo đó, dự kiến sẽ có 09 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Các tổ chức tín dụng 2024 được trình lên Chính phủ vào ngày 01/5/2024 nhằm đảm bảo có hiệu lực thi hành từ ngày 01/ 7/2024 (trùng thời điểm có hiệu lực của Luật Các tổ chức tín dụng 2024), cụ thể:
(1) Nghị định của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội;
(2) Nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện cấp phép của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
(3) Nghị định của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt;
(4) Nghị định của Chính phủ quy định về chương trình tài chính vi mô của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ;
(5) Nghị định của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
(6) Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế tài chính của ngân hàng chính sách;
(7) Nghị định của Chính phủ quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp đối với cán bộ, viên chức ngân hàng chính sách;
(8) Nghị định của Chính phủ quy định về đăng ký biến động đất đai đối với tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
(9) Nghị định của Chính phủ quy định về đăng ký thế chấp đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai của khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Xem thêm tại Quyết định 257/QĐ-TTg có hiệu lực ngày 29/3/2024.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |