Bổ sung Danh mục công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Hình thức kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường; Ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học;...là những nội dung nổi bật tại các văn bản mới được cập nhật trong 02 tuần vừa qua (từ ngày 05/02 - 18/02/2024).
Ngày 29/12/2023, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành kèm theo Thông tư 19/2023/TT-BLĐTBXH bổ sung Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (điều kiện lao động loại IV) và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (điều kiện lao động loại VI, V).
Đơn cử, một số nghề, công việc nặng nhọc, độc hại và đặc điểm điều kiện lao động được quy định như sau:
- Gia công, lắp dựng cốt thép trong hầm, ngầm: Nơi làm việc thiếu ánh sáng, thiếu dưỡng khí, công việc thủ công, nặng nhọc, nguy hiểm.
- Lắp dựng, tháo dỡ ván khuôn, hệ ván khuôn hoặc hệ khung đỡ ván khuôn công trình hầm, ngầm: Nơi làm việc thiếu ánh sáng, thiếu dưỡng khí, công việc thủ công, nặng nhọc, nguy hiểm.
- Lắp đặt và tháo dỡ các máy, thiết bị nâng chuyển (cần trục tháp, cần trục, vận thăng, sàn treo) phục vụ thi công xây dựng công trình: Công việc nguy hiểm, chịu tác động của ồn, rung lắc.
- Lắp đặt, sửa chữa hệ thống điện trong công trình hầm, ngầm: Công việc có nguy cơ điện giật cao, môi trường thiếu ánh sáng, thiếu dưỡng khí.
- Thi công đổ bê tông công trình hầm, ngầm: Công việc nặng nhọc, nguy hiểm, chịu ảnh hưởng bởi ồn, môi trường thiếu dưỡng khí.
- Xây gạch, đá, trát, ốp, lát trong công trình hầm, ngầm: Công việc có tư thế lao động gò bó, chịu tác động của bụi, môi trường thiếu dưỡng khí.
- Gia công, lắp dựng lưới thép, vì thép, gia cố hầm, ngầm: Công việc nặng nhọc, nguy hiểm, chịu ảnh hưởng bởi ồn, bụi, tư thế lao động gò bó, môi trường thiếu dưỡng khí.
- Lắp dựng: thiết bị, cấu kiện, kết cấu thép, bê tông đúc sẵn, hệ thống đường ống công trình hầm, ngầm: Công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tư thế lao động gò bó, môi trường thiếu dưỡng khí.
Xem thêm nội dung tại Thông tư 19/2023/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/02/2024.
Ngày 18/01/2024, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 01/2024/TT-BKHCN quy định kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Theo đó, quy định các hình thức kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường bao gồm:
(i) Kiểm tra theo kế hoạch hằng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt
- Xây dựng kế hoạch kiểm tra:
Hằng năm, cơ quan kiểm tra căn cứ yêu cầu quản lý, diễn biến tình hình chất lượng sản phẩm hàng hóa, đánh giá tình hình tuân thủ quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; kết quả kiểm tra kỳ trước; tình hình kinh phí và chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên để xây dựng kế hoạch kiểm tra theo quy định tại khoản 2 Điều 47 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007.
- Đối với những cơ sở đã được phê duyệt trong kế hoạch hằng năm, căn cứ tình hình thực tế hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý, trường hợp cơ quan kiểm tra không kiểm tra tại cơ sở thì gửi công văn đến cơ sở được kiểm tra yêu cầu báo cáo việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến sản phẩm hàng hóa do cơ sở đang kinh doanh. Nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa thông qua các báo cáo của cơ sở được kiểm tra thì cơ quan kiểm tra tiến hành kiểm tra đột xuất theo quy định tại Thông tư 01/2024/TT-BKHCN.
(ii) Kiểm tra đột xuất chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường
Căn cứ kiểm tra đột xuất về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 4 Thông tư 01/2024/TT-BKHCN.
Xem chi tiết tại Thông tư 01/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 03/3/2024.
Ngày 05/02/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học.
Theo đó, ban hành kèm theo Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, bao gồm các tiêu chuẩn, tiêu chí là các yêu cầu tối thiểu về điều kiện bảo đảm chất lượng và chỉ số hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học.
Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là cơ sở để thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; đánh giá và giám sát các điều kiện bảo đảm chất lượng, việc thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật.
Chuẩn cơ sở giáo dục đại học bao gồm 6 tiêu chuẩn với 20 tiêu chí. Các tiêu chí được đánh giá qua các chỉ số theo hướng dẫn tại phần IV, với các số liệu được chốt tại thời điểm ngày 31 tháng 12 của năm báo cáo và hoàn thiện chậm nhất vào ngày 31 tháng 3 của năm sau liền kề năm báo cáo.
Xem chi tiết tại Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 22/3/2024.
Ngày 05/02/2024, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2024/UBTVQH15 quy định về Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Quốc hội Việt Nam".
Theo đó, quy định đối tượng xét tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Quốc hội Việt Nam" bao gồm:
(1) Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
(2) Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương; lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
(3) Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội và Trưởng Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Tổng Thư ký Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội và nguyên Trưởng Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
(4) Đại biểu Quốc hội.
(5) Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, lãnh đạo cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
(6) Công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
(7) Công dân Việt Nam không thuộc đối tượng (1), (2), (3), (4), (5) và (6).
(8) Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài.
Nghị quyết 43/2024/UBTVQH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 05/02/2024.
Ngày 18/01/2024, Quốc hội thông qua Nghị quyết 111/2024/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, đơn cử như:
(1) Về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm:
- Quốc hội quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm cho từng địa phương theo tổng mức kinh phí của từng chương trình mục tiêu quốc gia;
- Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm cho từng địa phương theo tổng kinh phí chi thường xuyên của từng chương trình mục tiêu quốc gia;
- Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ hoặc phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần.
(2) Về quản lý, sử dụng tài sản hình thành trong dự án hỗ trợ phát triển sản xuất:
- Tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất không áp dụng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trong trường hợp sau đây:
+ Tài sản có giá trị dưới 500 triệu đồng được hỗ trợ toàn bộ vốn hoặc một phần vốn từ ngân sách nhà nước;
+ Tài sản hỗ trợ cho cộng đồng người dân tham gia thực hiện dự án;
+ Tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên được hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước không quá 20% giá trị tài sản;
- Cơ quan quản lý dự án có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản trong quá trình thực hiện dự án.
Xem chi tiết tại Nghị quyết 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |