Từ ngày 01/01/2025, trình tự xử lý điểm hay xảy ra tai nạn giao thông đường bộ, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ sẽ thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 41/2024/TT-BGTVT.
Trình tự xử lý điểm hay xảy ra tai nạn giao thông đường bộ, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ từ 01/01/2025 (Hình từ Internet)
Ngày 15/11/2024, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 41/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ.
Cụ thể tại Điều 15 Thông tư 41/2024/TT-BGTVT quy định về trình tự xử lý điểm hay xảy ra tai nạn giao thông đường bộ, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ từ 01/01/2025 như sau:
(1) Cơ quan quản lý đường bộ, người quản lý, sử dụng đường bộ có trách nhiệm tổng hợp theo các tiêu chí: số vụ tai nạn giao thông, số người tử vong và số người bị thương do tai nạn giao thông; thiệt hại đối với kết cấu hạ tầng, phương tiện tham gia giao thông; tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ hàng năm; tiếp nhận, kiểm tra, xử lý các thông tin của lực lượng cảnh sát giao thông trên tuyến, của tổ chức, cá nhân (nếu có) về tình hình giao thông trên đường bộ; tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trường và đối chiếu với quy định tại Điều 14 Thông tư 41/2024/TT-BGTVT để lập hồ sơ xử lý điểm hay xảy ra tai nạn giao thông đường bộ, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ.
(2) Người quản lý, sử dụng đường bộ thực hiện các công việc sau để xử lý điểm hay xảy ra tai nạn giao thông đường bộ, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ:
(i) Kiểm tra hiện trường, đối chiếu, bổ sung các đặc trưng của hiện trường: tình hình giao thông tại nút giao; phương án tổ chức giao thông; kiểm tra các yếu tố kỹ thuật của kết cấu hạ tầng đường bộ về tầm nhìn, bán kính đường cong nằm, bán kính đường cong đứng, độ dốc, chỉ số gồ ghề, tình trạng nhám mặt đường, độ dốc siêu cao, các yếu tố kỹ thuật khác; hành lang an toàn đường bộ; phác họa sơ đồ, chụp ảnh hiện trường; kiểm tra đánh giá, xác định lưu lượng, thành phần xe, tình trạng giao thông và người đi bộ; tình hình thời tiết, khí hậu và các yếu tố môi trường xung quanh ảnh hưởng đến an toàn giao thông và các thông tin cần thiết khác;
(ii) Căn cứ hồ sơ hiện trường đã thu thập được, tiến hành xây dựng bản sơ đồ mặt bằng thể hiện các đặc điểm chính của hiện trường: đoạn tuyến xảy ra tai nạn, biển báo hiệu và sơn kẻ vạch trên đường bộ, công trình an toàn giao thông, địa hình hai bên đường để phân tích, đánh giá tình hình, xác định nguyên nhân tai nạn giao thông;
(iii) Căn cứ kết quả thực hiện tại (i) và (ii), người quản lý, sử dụng đường bộ lập đề xuất khắc phục điểm hay xảy ra tai nạn giao thông và điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ, trong đó bao gồm xác định lộ trình, thời gian hoàn thành việc khắc phục.
(3) Xử lý điểm hay xảy ra tai nạn giao thông đường bộ:
- Đối với điểm hay xảy ra tai nạn giao thông trên các quốc lộ quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Đường bộ nhưng chưa có trong kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ được duyệt, Cục Đường bộ Việt Nam quyết định cho phép chuẩn bị đầu tư (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật) và tổ chức thực hiện kịp thời để bảo đảm an toàn giao thông đường bộ; cập nhật và trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt điều chỉnh kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ;
- Ủy ban nhân dân các cấp quyết định tổ chức thực hiện xử lý điểm hay xảy ra tai nạn giao thông đường bộ trên các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý;
- Doanh nghiệp được nhà nước giao quản lý, khai thác, sử dụng đường bộ theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 9 Thông tư 41/2024/TT-BGTVT có trách nhiệm xử lý điểm hay xảy ra tai nạn giao thông kịp thời bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.
(4) Đối với điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ nằm ngoài kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ đã được phê duyệt, cơ quan quản lý đường bộ, người quản lý, sử dụng đường bộ đề nghị cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ cho phép chuẩn bị đầu tư dự án sửa chữa đột xuất, trừ quy định tại điểm b và điểm c khoản 4 Điều 9 Thông tư 41/2024/TT-BGTVT đối với các quốc lộ do Bộ Giao thông vận tải quản lý để khắc phục điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ.
(5) Cơ quan quản lý đường bộ, người quản lý, sử dụng đường bộ thông báo kết quả xử lý điểm hay xảy ra tai nạn giao thông đường bộ, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ đến các tổ chức, cá nhân đã kiến nghị.
Xem thêm tại Thông tư 41/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |