Sau khi thí điểm thành lập văn phòng Thừa phát lại thì hiện nay TPHCM đã có phê duyệt đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại chưa? – Kiều Nga (TPHCM).
TPHCM phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn (Hình từ internet)
TPHCM đã phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn kèm theo Quyết định 3618/QĐ-UBND năm 2022.
Mục tiêu của Đề án này như sau:
- Việc phát triển các Văn phòng Thừa phát lại theo một mạng lưới gắn kết với địa bàn dân cư trên toàn Thành phố, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ pháp lý do Thừa phát lại cung cấp, đồng thời góp phần giúp giảm tải lượng việc của các cơ quan như Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự.
- Đảm bảo tổ chức thực hiện chế định Thừa phát lại đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; phát triển các Văn phòng Thừa phát lại phải đi đối với tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Theo Quyết định 3618/QĐ-UBND, tiêu chí và số điểm của các tiêu chí để được thành lập Văn phòng Thừa phát lại như sau:
(1) Vị trí dự kiến đặt trụ sở văn phòng
Điểm tối đa là 10 (Mười) điểm, trong đó:
- Vị trí dự kiến đặt trụ sở Văn phòng Thừa phát lại có khoảng cách di chuyển bằng đường bộ ngắn nhất với các tổ chức hành nghề thừa phát lại đã thành lập hoặc tổ chức hành nghề thừa phát lại dự kiến thành lập cùng đợt:
+ Dưới 1 (Một) km: 0 (Không) điểm.
+ Từ 1 (Một) đến 3 (Ba) km: tối đa 2 (Hai) điểm.
+ Trên 3 (Ba) km: tối đa 5 (Năm) điểm.
- Vị trí thuận lợi cho việc liên hệ của người dân, không gây ách tắc giao thông: tối đa 5 (Năm) điểm.
(2) Về trụ sở của Văn phòng Thừa phát lại
Điểm tối đa là 14 (Mười bốn) điểm, trong đó:
- Tính pháp lý, ổn định của trụ sở dự kiến:
+ Trường hợp trụ sở thuộc sở hữu của Thừa phát lại hợp danh hoặc có hợp đồng thuê, mượn hợp pháp có thời hạn từ 5 (Năm) năm trở lên: 2 (Hai) điểm.
+ Trường hợp hợp đồng thuê, mượn hợp lệ có thời hạn từ 1 (Một) năm đến dưới 5 (Năm) năm: 1 (Một) điểm.
+ Có cam kết đảm bảo vị trí trụ sở ít nhất trong thời hạn 01 năm: tối đa 1 (Một) điểm.
- Tổng diện tích của trụ sở Văn phòng Thừa phát lại (không bao gồm diện tích giữ xe):
+ Dưới 100 (Một trăm) m2: 0 (Không) điểm.
+ Từ 100 (Một trăm) m2 đến dưới 150 (Một trăm năm mươi) m2: tối đa 2 (Hai) điểm.
+ Từ 150 (Một trăm năm mươi) m2 đến dưới 200 (Hai trăm) m2: tối đa 3 (Ba) điểm.
+ Từ 200 (Hai trăm) m2 trở lên: tối đa 4 (Bốn) điểm.
- Tổ chức bố trí trụ sở Văn phòng Thừa phát lại:
+ Đảm bảo nơi làm việc cho Thừa phát lại và người lao động với diện tích theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc tại các đơn vị sự nghiệp, đảm bảo nơi tiếp người yêu cầu và nơi lưu trữ hồ sơ: tối đa 2 (Hai) điểm.
+ Đối với khu vực (phòng) lưu trữ đáp ứng các tiêu chuẩn về công tác lưu trữ theo quy định, trong đó:
Diện tích dưới 30 (Ba mươi) m2: tối đa 1 (Một) điểm.
Diện tích trên 30 (Ba mươi) m2: tối đa 2 (Hai) điểm.
- Tổ chức, bố trí địa điểm giữ xe:
+ Diện tích giữ xe dưới 50 (Năm mươi) m2: tối đa 1 (Một) điểm.
+ Diện tích giữ xe từ 50 (Năm mươi) m2 trở lên: tối đa 2 (Hai) điểm.
+ Trường hợp trụ sở Văn phòng Thừa phát lại không có diện tích dành cho giữ xe, nhưng bố trí chỗ giữ xe (thuê, mượn chỗ giữ xe, sử dụng bãi đỗ xe công cộng) trong phạm vi khoảng cách 100 (Một trăm) m tính từ trụ sở thì được tính 50% (Năm mươi phần trăm) so với số điểm tối đa của diện tích tương ứng.
+ Địa điểm giữ xe chỉ được tính điểm khi đảm bảo thuận lợi, an ninh trật tự, an toàn giao thông.
- Trụ sở Văn phòng Thừa phát lại có các phương tiện phòng cháy, chữa cháy (bình chữa cháy, hệ thống báo cháy,...): tối đa 1 (Một) điểm.
(3) Hình thức Văn phòng Thừa phát lại
Điểm tối đa là 4 (Bốn) điểm, trong đó:
- Văn phòng Thừa phát lại do một Thừa phát lại thành lập (tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân): 2 (hai) điểm.
- Văn phòng Thừa phát lại do từ hai Thừa phát lại trở lên thành lập (tổ chức và hoạt động theo loại hình Công ty hợp danh): 4 (Bốn) điểm.
(4) Thừa phát lại
Điểm tối đa là 36 (Ba mươi sáu) điểm, trong đó:
- Mỗi thừa phát lại là Trưởng Văn phòng, thành viên hợp danh: 2 (Hai) điểm.
- Kinh nghiệm của Thừa phát lại: điểm số tính cho mỗi thừa phát lại là Trưởng Văn phòng, thành viên họp danh là:
+ Có thời gian công tác pháp luật, cụ thể:
Từ 10 (Mười) năm đến 15 (Mười lăm) năm: tối đa 1 (Một) điểm.
Trên 15 (Mười lăm) năm: tối đa 2 (Hai) điểm.
+ Có thời gian công tác có liên quan đến nghiệp vụ thừa phát lại tại các cơ quan quản lý nhà nước về thừa phát lại từ 3 (Ba) năm trở lên: tối đa 0,5 (Không phẩy năm) điểm.
+ Có thời gian làm công tác nghiệp vụ thừa phát lại tại các tổ chức hành nghề thừa phát lại, thi hành án tại các cơ quan Thi hành án dân sự trước khi được bổ nhiệm thừa phát lại:
Từ 1 (Một) năm đến dưới 2 (Hai) năm: tối đa 0,5 (Không phẩy năm) điểm.
Từ 2 (Hai) năm đến 3 (Ba) năm: tối đa 1 (Một) điểm.
Trên 3 (Ba) năm: tối đa 1,5 (Một phẩy năm) điểm.
+ Thừa phát lại đã từng hành nghề với tư cách thừa phát lại, chấp hành viên:
Từ 1 (Một) năm đến dưới 3 (Ba) năm: tối đa 1 (Một) điểm.
Từ 3 (Ba) năm đến dưới 5 (Năm) năm: tối đa 2 (Hai) điểm.
Từ 5 (Năm) năm đến 10 (Mười) năm: tối đa 3 (Ba) điểm.
Trên 10 (Mười) năm: tối đa 4 (Bốn) điểm.
+ Đã là thành viên tổ chức xã hội nghề nghiệp của Thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh hoặc cam kết tham gia tổ chức xã hội nghề nghiệp của Thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh khi Văn phòng Thừa phát lại được cho phép thành lập: tối đa 01 điểm.
- Số điểm của mỗi Thừa phát lại làm việc theo chế độ hợp đồng được tính bằng 25% (Hai mươi lăm phần trăm) số điểm của Trưởng Văn phòng, Thừa phát lại hợp danh quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
- Mỗi hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại được tính điểm tối đa 4 (Bốn) Thừa phát lại. Trong trường hợp tổng số điểm của Thừa phát lại đạt được trên 36 (Ba mươi sáu) điểm thì được tính tối đa là 36 (Ba mươi sáu) điểm.
(5) Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại
Điểm tối đa là 14 (Mười bốn) điểm, trong đó:
- Mỗi thư ký nghiệp vụ được tối đa 2 (Hai) điểm nếu thuộc các trường hợp sau đây:
+ Có thời gian làm công tác pháp luật từ 5 (Năm) năm trở lên hoặc đã từng được bổ nhiệm các chức danh tư pháp: tối đa 1 (Một) điểm.
+ Đã được đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự hoặc tốt nghiệp khóa đào tạo, được công nhận tương đương đào tạo hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại do Bộ Tư pháp tổ chức: 1 (Một) điểm.
- Mỗi thư ký nghiệp vụ có thời gian công tác nghiệp vụ thi hành án hoặc thừa phát lại được tính tối đa 2 (Hai) điểm:
+ Từ 1 (Một) năm đến dưới 2 (Hai) năm: tối đa 1 (Một) điểm.
+ Từ 2 (Hai) năm đến 3 (Ba) năm: tối đa 1,5 (Một phẩy năm) điểm.
+ Trên 3 (Ba) năm: tối đa 2 (Hai) điểm.
- Mỗi hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại được tính điểm tối đa 4 (Bốn) thư ký nghiệp vụ. Trong trường hợp tổng số điểm của thư ký nghiệp vụ đạt được trên 14 (Mười bốn) điểm thì được tính tối đa 14 (Mười bốn) điểm.
(6) Nhân sự phụ trách kế toán
Điểm tối đa là 2 (Hai) điểm, trong đó:
- Nhân viên kế toán có bằng đại học hoặc cao đẳng chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán: tối đa 1 (Một) điểm.
- Nhân viên kế toán có thời gian làm công tác kế toán được tính tối đa 1 (Một) điểm:
+ Từ 1 (Một) năm đến 3 (Ba) năm: tối đa 0,5 (Không phẩy năm) điểm.
+ Trên 3 (Ba) năm: tối đa 1 (Một) điểm.
(7) Nhân sự phụ trách công nghệ thông tin
Điểm tối đa là 2 (Hai) điểm, trong đó:
- Nhân viên công nghệ thông tin có bằng đại học hoặc cao đẳng chuyên ngành công nghệ thông tin: tối đa 1 (Một) điểm.
- Nhân viên công nghệ thông tin có thời gian làm công tác công nghệ thông tin được tính tối đa 1 (Một) điểm:
+ Từ 1 (Một) năm đến 3 (Ba) năm: tối đa 0,5 (Không phẩy năm) điểm.
+ Trên 3 (Ba) năm: tối đa 1 (Một) điểm.
(8) Nhân sự phụ trách lưu trữ
Điểm tối đa là 2 (Hai) điểm, trong đó:
- Nhân viên lưu trữ có trình độ chuyên ngành lưu trữ: tối đa 1 (Một) điểm.
+ Trung cấp chuyên ngành lưu trữ: tối đa 0,5 (Không phẩy năm) điểm.
+ Đại học hoặc cao đẳng chuyên ngành lưu trữ: tối đa 1 (Một) điểm.
- Nhân viên lưu trữ có thời gian làm công tác lưu trữ được tính tối đa 1 (Một) điểm:
+ Từ 1 (Một) năm đến 3 (Ba) năm: tối đa 0,5 (Không phẩy năm) điểm.
+ Trên 3 (Ba) năm: tối đa 1 (Một) điểm.
(9) Xây dựng quy trình nghiệp vụ Thừa phát lại và quy trình lưu trữ
Điểm tối đa là 3 (Ba) điểm, trong đó:
- Xây dựng quy trình nghiệp vụ chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật: tối đa 2 (Hai) điểm.
- Xây dựng quy trình lưu trữ chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật: tối đa 1 (Một) điểm.
(10) Khả năng quản trị văn phòng
Điểm tối đa là 3 (Ba) điểm, trong đó:
- Trưởng Văn phòng Thừa phát lại có bằng cấp hoặc giấy tờ chứng minh đã qua lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản trị:
+ Thời gian đào tạo, bồi dưỡng dưới 6 (Sáu) tháng: tối đa 0,5 (Không phẩy năm) điểm.
+ Thời gian đào tạo, bồi dưỡng từ 6 (Sáu) tháng trở lên: tối đa 1 (Một) điểm.
- Trưởng Văn phòng Thừa phát lại đã từng là Trưởng Văn phòng Thừa phát lại:
+ Dưới 3 (Ba) năm: 0 (Không) điểm.
+ Từ 3 (Ba) năm trở lên: tối đa 1 (Một) điểm.
- Có dự thảo các nội quy, quy chế để quản lý hoạt động Văn phòng Thừa phát lại (về thời gian, lề lối làm việc; phân công trách nhiệm đối với từng bộ phận; mối quan hệ với khách hàng; mối quan hệ nội bộ...): tối đa 1 (Một) điểm.
(11) Tính khả thi của Đề án thành lập
Tính khả thi của Đề án được xem xét, đánh giá tổng thể các điều kiện về trụ sở, cơ sở vật chất và nhân sự của Văn phòng Thừa phát lại, đảm bảo đầy đủ các nội dung Đề án theo quy định: tối đa 8 (Tám) điểm.
Châu Thanh
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |