Dưới đây là các tiêu chí kiểm định chất lượng chương trình đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng từ 15/02/2025
Tiêu chí kiểm định chất lượng chương trình đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng từ 15/02/2025 (Hình từ internet)
Ngày 31/12/2024, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 14/2024/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Theo Điều 10 Thông tư 14/2024/TT-BLĐTBXH quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo nghề trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng như sau:
(1) Tiêu chí 1 - Mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo
- Tiêu chuẩn 1.1: Mục tiêu của chương trình đào tạo được xác định rõ ràng, phù hợp với sứ mạng của trường, mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động.
- Tiêu chuẩn 1.2: Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo được xác định rõ ràng, đáp ứng yêu cầu của Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp, yêu cầu của ngành, nghề đào tạo, nhu cầu của người học, đơn vị sử dụng lao động, các bên liên quan khác và được công bố công khai.
- Tiêu chuẩn 1.3: Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo được tích hợp năng lực số cho phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp.
(2) Tiêu chí 2 - Cấu trúc và nội dung của chương trình đào tạo, giáo trình
- Tiêu chuẩn 2.1: Chương trình đào tạo có đầy đủ thông tin, cấu trúc logic, có tính linh hoạt và được cập nhật, phê duyệt, ban hành.
- Tiêu chuẩn 2.2: Nội dung chương trình đào tạo đáp ứng sự thay đổi của khoa học, công nghệ, yêu cầu trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và nhu cầu của thị trường lao động hoặc của ngành, địa phương.
- Tiêu chuẩn 2.3: Chương trình đào tạo được thiết kế và phát triển dựa trên nhu cầu và phản hồi của các bên liên quan, bảo đảm đạt được chuẩn đầu ra. Mỗi môn học, mô-đun phải thể hiện vị trí, vai trò và tiến trình đạt được chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.
- Tiêu chuẩn 2.4: Chương trình đào tạo được định kỳ rà soát, đánh giá, cập nhật và cải tiến để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, sự phát triển của ngành, địa phương.
- Tiêu chuẩn 2.5: Giáo trình được biên soạn hoặc lựa chọn, thẩm định, ban hành đủ cho các mô đun, môn học của chương trình đào tạo.
- Tiêu chuẩn 2.6: Giáo trình cụ thể hóa yêu cầu về nội dung kiến thức, kỹ năng của từng mô-đun, môn học trong chương trình đào tạo, tạo điều kiện để thực hiện phương pháp dạy học tích cực, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của ngành, nghề đào tạo.
- Tiêu chuẩn 2.7: Giáo trình định kỳ được rà soát, đánh giá và cập nhật theo quy định, đáp ứng sự đổi mới của chương trình đào tạo.
(3) Tiêu chí 3 - Hoạt động đào tạo
- Tiêu chuẩn 3.1: Chính sách tuyển sinh được xác định rõ ràng, được công bố công khai và được cập nhật. Các hoạt động tư vấn tuyển sinh giúp người học lựa chọn đúng ngành, nghề đào tạo, phát huy năng lực, sở trường của người học. Kết quả tuyển sinh đạt tối thiểu 80% chỉ tiêu theo kế hoạch của cơ sở đào tạo.
- Tiêu chuẩn 3.2: Các phương pháp đào tạo phù hợp với nội dung, mục tiêu của từng mô đun, môn học để góp phần đạt được mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.
- Tiêu chuẩn 3.3: Các hoạt động dạy và học phát huy tính tích cực, tự giác, khả năng làm việc độc lập, tổ chức làm việc theo nhóm của người học, thúc đẩy việc rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng tự học, tự nghiên cứu và học tập suốt đời.
- Tiêu chuẩn 3.4: Trường phối hợp với đơn vị sử dụng lao động trong việc tổ chức, hướng dẫn người học thực hành, thực tập tại nơi làm việc.
- Tiêu chuẩn 3.5: Trường xây dựng, ban hành quy trình và tổ chức thực hiện việc kiểm tra, thi, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện, cấp văn bằng cho người tốt nghiệp bảo đảm công bằng, minh bạch; hồ sơ lưu trữ đầy đủ, rõ ràng.
- Tiêu chuẩn 3.6: Các phương pháp đánh giá kết quả học tập của người học đa dạng, tương thích với chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo và các mục tiêu dạy và học.
- Tiêu chuẩn 3.7: Kết quả kiểm tra, đánh giá người học được tổng hợp, phân tích và phản hồi kịp thời để cải thiện việc giảng dạy, học tập.
(4) Tiêu chí 4 - Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động
- Tiêu chuẩn 4.1: Đội ngũ nhà giáo tham gia giảng dạy có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đạt chuẩn, đáp ứng được yêu cầu chương trình đào tạo và các quy định về tổ chức đào tạo có liên quan.
- Tiêu chuẩn 4.2: Đội ngũ nhà giáo được phân công nhiệm vụ phù hợp với trình độ, năng lực và kinh nghiệm. Bảo đảm tất cả các mô-đun, môn học thuộc chương trình đào tạo có đủ nhà giáo giảng dạy; bảo đảm tỷ lệ số người học/lớp và tỷ lệ quy đổi người học/nhà giáo.
- Tiêu chuẩn 4.3: Có kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo bảo đảm về số lượng và chất lượng để thực hiện chương trình đào tạo. Nhà giáo tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, các hội thi liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo.
- Tiêu chuẩn 4.4: Nhu cầu về đào tạo, bồi dưỡng và phát triển chuyên môn của nhà giáo được xác định có tính hệ thống, có kế hoạch và có các hoạt động triển khai để đáp ứng nhu cầu. Nhà giáo định kỳ được học tập, bồi dưỡng, thực tập để cập nhật kiến thức, công nghệ, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp hoặc theo yêu cầu đặc thù của chương trình đào tạo.
- Tiêu chuẩn 4.5: Đội ngũ cán bộ quản lý, viên chức, người lao động của khoa hoặc bộ môn triển khai chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ trong xây dựng, tổ chức triển khai chương trình đào tạo; định kỳ được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
- Tiêu chuẩn 4.6: Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động của khoa hoặc bộ môn triển khai chương trình đào tạo được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định. Thực hiện chính sách khuyến khích đối với nhà giáo, cán bộ quản lý có thành tích để cải tiến liên tục chất lượng của chương trình đào tạo.
(5) Tiêu chí 5 - Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo và học liệu
- Tiêu chuẩn 5.1: Phòng học, phòng học chuyên môn hóa, khu vực thực hành, thực nghiệm bảo đảm quy chuẩn và tiêu chuẩn cơ sở vật chất hiện hành, các yêu cầu công nghệ và bền vững môi trường. Các tiêu chuẩn về môi trường, sức khỏe, an toàn được xác định và triển khai bao gồm cả các nhu cầu, điều kiện thiết yếu cho người khuyết tật và không phân biệt đối xử về giới.
- Tiêu chuẩn 5.2: Thiết bị, dụng cụ phục vụ đào tạo đầy đủ về số lượng, chủng loại và đáp ứng yêu cầu tổ chức thực hiện chương trình đào tạo.
- Tiêu chuẩn 5.3: Thiết bị, dụng cụ phục vụ đào tạo được quản lý, bảo trì, bảo dưỡng, bố trí hợp lý, bảo đảm các yêu cầu sư phạm, an toàn sức khỏe và vệ sinh môi trường.
- Tiêu chuẩn 5.4: Trường ban hành và áp dụng quy trình quản lý, cấp phát nguyên, nhiên, vật liệu. Nguyên, nhiên, vật liệu được bố trí sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp thuận tiện; đáp ứng đầy đủ nhu cầu theo kế hoạch, tiến độ đào tạo và được tái sử dụng hiệu quả.
- Tiêu chuẩn 5.5: Thư viện, nguồn học liệu đầy đủ và phù hợp; được cập nhật và áp dụng những tiến bộ về công nghệ thông tin trong quản lý, sử dụng, bảo đảm hỗ trợ hiệu quả các hoạt động dạy, học, nghiên cứu của nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động, người học và các hoạt động khác liên quan đến việc thực hiện chương trình đào tạo.
- Tiêu chuẩn 5.6: Thiết bị, dụng cụ đào tạo, các điều kiện đào tạo trực tuyến phù hợp và được cập nhật đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo.
(6) Tiêu chí 6 - Người học và hoạt động hỗ trợ người học
- Tiêu chuẩn 6.1: Các thông tin về ngành, nghề, chương trình đào tạo, quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp; nội quy, quy chế của trường và các chế độ, chính sách đối với người học được mô tả rõ ràng, đầy đủ, công khai.
- Tiêu chuẩn 6.2: Người học được bảo đảm hưởng các chế độ, chính sách theo quy định, trong đó có chính sách khen thưởng, động viên khuyến khích người học đạt kết quả cao trong học tập, rèn luyện. Người học được hỗ trợ kịp thời trong quá trình học tập để hoàn thành nhiệm vụ học tập.
- Tiêu chuẩn 6.3: Người học được tư vấn học tập, tạo điều kiện tham gia các hoạt động ngoại khóa, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp, tư vấn về thị trường lao động, việc làm và phát triển nghề nghiệp.
- Tiêu chuẩn 6.4: Các hoạt động tư vấn học tập, ngoại khóa, hoạt động phong trào và các dịch vụ hỗ trợ khác giúp cải thiện việc học tập và khả năng có việc làm cho người học sau tốt nghiệp. Môi trường và cảnh quan sư phạm tạo thuận lợi cho hoạt động học tập, rèn luyện và phát triển cá nhân của người học.
(7) Tiêu chí 7 - Giám sát, đánh giá chất lượng
- Tiêu chuẩn 7.1: Các chính sách, quy trình, công cụ bảo đảm chất lượng về xây dựng, lựa chọn, chỉnh sửa, ban hành chương trình đào tạo được xây dựng, vận hành, đánh giá và cải tiến.
- Tiêu chuẩn 7.2: Chất lượng các dịch vụ hỗ trợ và tiện ích tại các khu vực học tập, rèn luyện và các dịch vụ khác được giám sát, đánh giá và cải tiến.
- Tiêu chuẩn 7.3: Có hệ thống khảo sát, thu thập ý kiến phản hồi từ đơn vị sử dụng lao động và các bên liên quan về mức độ đáp ứng của người tốt nghiệp, sự phù hợp của chương trình đào tạo với thực tiễn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Thông tin phản hồi và nhu cầu của các bên liên quan được sử dụng làm căn cứ để thiết kế và phát triển chương trình đào tạo.
- Tiêu chuẩn 7.4: Trường thực hiện tự đánh giá chất lượng chương trình đào tạo và thực hiện các biện pháp cải tiến chất lượng.
- Tiêu chuẩn 7.5: Tỷ lệ tốt nghiệp, bỏ học và thời gian tốt nghiệp trung bình được xác lập, giám sát, đối sánh (nếu có) để cải tiến chất lượng.
- Tiêu chuẩn 7.6: Dữ liệu về mức độ đạt chuẩn đầu ra của người học chương trình đào tạo được xác lập và giám sát. Mức độ hài lòng của người tốt nghiệp, đơn vị sử dụng lao động và các bên liên quan được xác lập, giám sát, đối sánh để cải tiến chất lượng.
- Tiêu chuẩn 7.7: Tỷ lệ có việc làm, khởi nghiệp và tiếp tục học trình độ khác của người học sau tốt nghiệp được xác lập, giám sát và đối sánh (nếu có) để cải tiến chất lượng. Trong vòng 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp, ít nhất 80% người học tốt nghiệp có việc làm.
Xem thêm Thông tư 14/2024/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/02/2025.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |