Bài viết dưới đây sẽ cung cấp nội dung tăng cường quản lý thuế với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có kinh doanh sử dụng vật liệu xây dựng là đất, cát, đá, sỏi
Tăng cường quản lý thuế với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có kinh doanh sử dụng vật liệu xây dựng là đất, cát, đá, sỏi (Hình từ internet)
Ngày 30/10/2024, Tổng cục Thuế có Công văn 4902/TCT-TTKT về việc tăng cường quản lý thuế với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có kinh doanh sử dụng vật liệu xây dựng là đất, cát, đá, sỏi.
Theo đó, Tổng cục Thuế đề nghị các Cục Thuế triển khai các công việc sau:
(1) Về công tác tuyên truyền hỗ trợ:
- Thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế, người dân các quy định về khai thác, kinh doanh vận chuyển, sử dụng tài nguyên khoáng sản trong đó lưu ý nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng như đất, cát, đá, sỏi ... phải có nguồn gốc hợp pháp và có đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Thực hiện tuyên truyền với nhiều hình thức như thông qua các hội nghị, hội thảo với doanh nghiệp, cơ quan, ban ngành tại địa phương nhằm tranh thủ sự ủng hộ, phối hợp. Cục Thuế đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện kê khai, nộp thuế, phí, sử dụng hóa đơn, chứng từ, các chế tài xử phạt đối với hoạt động kinh doanh tài nguyên khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật trên trang web của Cục Thuế, các chuyên mục về thuế tại cơ quan truyền hình, báo chí địa phương để hướng dẫn người nộp thuế thực hiện, đồng thời cảnh báo cho người nộp thuế biết, tránh các hành vi vi phạm pháp luật.
(2) Về công tác quản lý thuế:
- Rà soát lập danh sách người nộp thuế (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân và doanh nghiệp) có hoạt động khai thác, kinh doanh, mua bán, sử dụng đất, đá, cát, sỏi để theo dõi, quản lý. Thường xuyên cập nhật danh sách theo tình hình thực tế.
- Quản lý chặt chẽ việc kê khai, nộp thuế của người nộp thuế
- Phân loại người nộp thuế theo mức độ rủi ro để thực hiện công tác quản lý thuế theo quy định.
- Giao cho một đơn vị làm đầu mối theo dõi tình hình biến động kê khai thuế của người nộp thuế (đất, đá, cát, sỏi) nhằm phát hiện sớm rủi ro để cảnh báo hoặc báo cáo lãnh đạo cơ quan thuế có biện pháp xử lý kịp thời và tổng hợp báo cáo định kỳ với cơ quan cấp trên.
(3) Về công tác thanh tra, kiểm tra:
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với những doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế để ngăn chặn, phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về thuế trong lĩnh vực kinh doanh tài nguyên khoáng sản: đất, đá, cát, sỏi bao gồm cả kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế, thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, cụ thể như sau:
- Thực hiện kiểm tra, rà soát hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có kinh doanh, sử dụng vật liệu xây dựng là đất, cát, đá, sỏi trên địa bàn. Trường hợp phát hiện có rủi ro cao thì lập kế hoạch, thực hiện thanh tra kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế.
- Khi kiểm tra tại cơ quan thuế hoặc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế cần lưu ý rà soát kỹ việc sử dụng hóa đơn, chứng từ đầu vào của các hàng hóa này, cụ thể:
+ Kiểm tra đối chiếu, xác minh hóa đơn mua vào bán ra của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh, sử dụng vật liệu xây dựng là đất, cát, đá, sỏi; trường hợp cần thiết, truy xuất xác định nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa, tính hợp pháp của hóa đơn. Trường hợp phát hiện có rủi ro cao thì thực hiện thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị cung cấp đất, đá, cát, sỏi tại các khâu kinh doanh thương mại và các đơn vị thực hiện khai thác tại mỏ.
+ Đối với người nộp thuế là đơn vị thực hiện các dự án, công trình xây dựng, công trình giao thông khi thanh tra, kiểm tra lưu ý các thông tin về dự toán xây dựng, hồ sơ nghiệm thu, thanh toán, quyết toán; cần kiểm tra, rà soát hóa đơn mua vật liệu xây dựng là đất, cát, đá, sỏi để xem xét nguồn gốc hợp pháp của các mặt hàng này đã sử dụng; số lượng sử dụng thực tế so với dự toán hoặc quyết toán công trình; đối chiếu thực tế khối lượng đất, cát, đá, sỏi mua vào để sử dụng cho dự án, công trình xây dựng với khả năng khai thác và được cấp phép khai thác trên địa bàn địa phương để xác định tính hợp lý hoặc phát hiện rủi ro.
+ Trường hợp thanh tra, kiểm tra người nộp thuế là đơn vị khai thác, kinh doanh đất, đá, cát, sỏi có rủi ro cao thì khi kiểm tra hàng hóa bán ra lưu ý kiểm tra đối chiếu về số lượng, sản lượng khai thác, mua bán, vận chuyển. Cơ quan thuế sau khi chuyển thông tin kê khai thuế (sản lượng đất, đá, cát, sỏi khai thác theo từng mỏ, từng Giấy phép khai thác khoáng sản) trong năm của người nộp thuế phải chủ động đề nghị, đôn đốc Cơ quan Tài nguyên và môi trường trên địa bàn phối hợp cung cấp thông tin về sản lượng tài nguyên, khối lượng đất đá bóc, đất đá thải và khối lượng khoáng sản nguyên khai thực tế khai thác của người nộp thuế để tổng hợp đối chiếu, xử lý về thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các quy định pháp luật thuế có liên quan.
- Cục Thuế chỉ đạo các phòng, các chi cục thuế thường xuyên rà soát, đối chiếu việc sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp sử dụng đất, cát, đá, sỏi theo các công văn cảnh báo của các cơ quan liên quan cung cấp.
- Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm như: sử dụng hóa đơn không hợp pháp hoặc sử dụng không hợp pháp hóa đơn để hạch toán khống chi phí hoặc hợp thức hàng hóa mua vào, bán ra thì căn cứ tính chất, mức độ vi phạm và các quy định pháp luật để xử lý nghiêm, thu hồi tiền thuế, xử phạt vi phạm hành chính nộp vào ngân sách nhà nước hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật hình sự theo quy định.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |