Bài viết dưới đây sẽ cung cấp nội dung Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Hình từ internet)
Ngày 28/6/2024, Quốc hội thông qua Nghị quyết 139/2024/QH15 về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Quốc hội ban hành Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu đến năm 2030 như sau:
(1) Mục tiêu tổng quát
Tạo lập cơ sở cho phát triển nhanh và bền vững kinh tế biển, góp phần hình thành, phát triển các ngành kinh tế biển vững mạnh, tạo nhiều sinh kế hiệu quả cho người dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế, giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên biển; quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và các giá trị văn hóa biển, từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
(2) Mục tiêu cụ thể
Phân bố, quản lý hiệu quả, giảm thiểu các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng không gian biển nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế biển, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn biển, phát triển khoa học và công nghệ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế, cụ thể:
- Về kinh tế biển: Góp phần để các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển đạt từ 65% đến 70% GDP cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển gấp từ 1,2 lần trở lên so với thu nhập bình quân đầu người của cả nước; mở rộng đảo ở những nơi có điều kiện phù hợp; phát triển hệ thống đô thị ven biển, trong đó ưu tiên phát triển đô thị tại các khu vực cửa sông ven biển, khu vực đảo gắn với phát triển tổng hợp các ngành kinh tế biển; phân bố đồng bộ, hài hòa, hợp lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện đại theo mô hình kinh tế xanh, đô thị sinh thái, đô thị thông minh; xây dựng và nhân rộng các khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái ven biển theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp và có khả năng chống chịu cao, gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh, thúc đẩy liên kết vùng;
- Về văn hóa, xã hội: Góp phần đạt chỉ số phát triển con người (HDI) của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển đạt mức cao hơn mức trung bình của cả nước; các đảo có người dân sinh sống có hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đầy đủ, đặc biệt là điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục; tiếp tục củng cố và phát triển văn hóa biển, xây dựng xã hội gắn kết, thân thiện với biển;
- Về bảo vệ môi trường, bảo tồn biển: Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, hải đảo, kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi và chịu tải của các hệ sinh thái biển. Tăng diện tích các khu bảo tồn, bảo vệ biển và ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; tiếp tục phục hồi rừng ngập mặn. Ngăn ngừa, giảm thiểu và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, đặc biệt đối với rác thải nhựa đại dương; phòng, tránh, hạn chế tác động của thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, góp phần phấn đấu thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26) đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050;
- Về khoa học và công nghệ: Trình độ khoa học và công nghệ biển Việt Nam thuộc nhóm nước dẫn đầu trong ASEAN, có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến, hiện đại của thế giới; tối thiểu 50% diện tích vùng biển Việt Nam được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỷ lệ bản đồ 1: 500.000 và điều tra tỷ lệ lớn ở một số vùng trọng điểm; ứng dụng công nghệ vũ trụ và trí tuệ nhân tạo trong quan trắc, giám sát môi trường biển, dự báo, cảnh báo thiên tai, động đất, sóng thần, biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đổi mới sáng tạo công nghệ và hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững;
- Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế: Duy trì môi trường hòa bình, ổn định; giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên biển; kết hợp bảo đảm quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội; mở rộng quan hệ đối ngoại, tăng cường hợp tác quốc tế, chủ động tham gia và đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc bảo tồn, khai thác, sử dụng bền vững biển và đại dương; tranh thủ tối đa sự ủng hộ và hỗ trợ quốc tế để nâng cao năng lực quản lý, khai thác, sử dụng bền vững biển.
Xem chi tiết nội dung tại Nghị quyết 139/2024/QH15 được thông qua ngày 28/6/2024.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |