Quy định về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia theo Nghị định 47

Hiện nay, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia được quy định trong Nghị định 47/2024/NĐ-CP.

Quy định về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia

Quy định về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia (Hình từ Internet)

1. Yếu tố cơ bản của cơ sở dữ liệu quốc gia

Theo Điều 8 Nghị định 47/2024/NĐ-CP quy định như sau:

Các bên liên quan bao gồm:

- Chủ quản cơ sở dữ liệu quốc gia;

- Đơn vị cung cấp, duy trì dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia;

- Đơn vị vận hành hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia;

- Các bên liên quan đến việc kết nối, chia sẻ dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia.

Các hoạt động liên quan bao gồm:

- Xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia;

- Thu thập dữ liệu ban đầu;

- Duy trì, cập nhật dữ liệu;

- Duy trì, vận hành hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia;

- Kết nối, khai thác và sử dụng dữ liệu;

- Quản trị dữ liệu.

Các thành phần liên quan bao gồm:

- Dữ liệu;

- Cơ sở dữ liệu;

- Hệ quản trị cơ sở dữ liệu;

- Kiến trúc tổng thể, gồm kiến trúc dữ liệu, kiến trúc hệ thống và các tài liệu kiến trúc khác;

- Hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn chi tiết về yếu tố cơ bản của cơ sở dữ liệu quốc gia.

2. Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia

Theo Điều 9 Nghị định 47/2024/NĐ-CP quy định như sau:

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia bao gồm các hoạt động:

- Thiết kế kiến trúc dữ liệu phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam;

- Thiết lập hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia bao gồm hạ tầng kỹ thuật, phần cứng, nền tảng, phần mềm, ứng dụng thông qua việc đầu tư, hoặc thuê dịch vụ hoặc sử dụng hệ thống thông tin sẵn có, bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo, lãng phí;

- Thu thập dữ liệu, tạo lập dữ liệu, chuẩn hóa dữ liệu để hình thành cơ sở dữ liệu;

- Các hoạt động khác theo quy định pháp luật.

Thu thập, tạo lập dữ liệu phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia

- Dữ liệu, thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia được thu thập, tạo lập từ các nguồn sau:

+ Thu thập trực tiếp từ hoạt động nghiệp vụ thông qua các hệ thống thông tin, nền tảng, ứng dụng, phần mềm nghiệp vụ;

+ Khai thác, chia sẻ từ các cơ sở dữ liệu quốc gia khác;

+ Trích, chọn và đồng bộ hóa dữ liệu liên quan từ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu dùng chung của bộ, ngành, địa phương;

+ Từ số hóa, chuẩn hóa thông tin từ hồ sơ quản lý của cơ quan nhà nước;

+ Từ các nguồn khác theo quy định pháp luật chuyên ngành.

Yêu cầu về thu thập, tạo lập và chuẩn hóa dữ liệu phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia

- Việc tạo lập dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia phải sử dụng thống nhất các bảng mã danh mục dùng chung do cơ quan có thẩm quyền ban hành;

- Chủ quản cơ sở dữ liệu quốc gia không được thu thập, tổ chức thu thập lại dữ liệu hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp lại dữ liệu mà cơ quan mình đang quản lý hoặc dữ liệu đó được cơ quan nhà nước khác sẵn sàng kết nối, chia sẻ, trừ trường hợp yêu cầu cung cấp dữ liệu phục vụ cập nhật hoặc sử dụng cho mục đích xác minh, thẩm tra dữ liệu hoặc dữ liệu đó không bảo đảm yêu cầu về chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc pháp luật có quy định khác;

- Thông tin chỉ được tạo lập và nhập vào cơ sở dữ liệu quốc gia khi thông tin đó được kiểm tra là chính xác;

- Tuân thủ quy định về thu thập, tạo lập và chuẩn hóa dữ liệu theo Nghị định 47/2020/NĐ-CP về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin; tuân thủ các quy định về đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin; kết nối, chia sẻ dữ liệu; an toàn thông tin mạng; an ninh mạng và các quy định pháp luật liên quan khác.

3. Quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia

Theo Điều 13 Nghị định 47/2024/NĐ-CP quy định như sau:

- Chính phủ thống nhất quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia. Chính phủ giao bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ làm chủ quản cơ sở dữ liệu quốc gia theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

- Dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia thuộc phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan nào, cơ quan đó chịu trách nhiệm bảo đảm tính cập nhật, toàn vẹn của dữ liệu.

- Quản lý, quản trị dữ liệu của cơ sở dữ liệu quốc gia

- Các hoạt động quản lý, quản trị dữ liệu của cơ sở dữ liệu quốc gia bao gồm:

+ Quản trị dữ liệu theo quy định tại Điều 14 Nghị định 47/2020/NĐ-CP;

+ Quản lý kiến trúc dữ liệu, bao gồm thiết kế và duy trì cơ sở hạ tầng dữ liệu để hỗ trợ tích hợp dữ liệu, chất lượng dữ liệu và khả năng truy cập dữ liệu;

+ Quản lý, thiết kế và mô hình dữ liệu, bao gồm xác định cấu trúc dữ liệu và các mối quan hệ để hỗ trợ các quy trình và mục tiêu xây dựng, khai thác dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia;

+ Lưu trữ và vận hành dữ liệu, bao gồm bảo đảm dữ liệu được lưu trữ hiệu quả, an toàn và hỗ trợ tính khả dụng và hiệu suất khai thác dữ liệu;

+ An toàn dữ liệu, bao gồm bảo vệ dữ liệu khỏi bị truy cập, tiết lộ hoặc sử dụng trái phép, bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ dữ liệu cá nhân và bảo đảm tuân thủ các quy định khác về an toàn dữ liệu;

+ Quản lý việc tích hợp và tương tác dữ liệu, bao gồm kết nối, đồng bộ dữ liệu từ các nguồn khác nhau và bảo đảm khả năng dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia có thế được kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin khác của các bộ, ngành, địa phương;

+ Quản lý dữ liệu chủ bao gồm lựa chọn công nghệ, công cụ và quy trình nhằm bảo đảm dữ liệu chủ trong cơ sở dữ liệu quốc gia được thu thập, cập nhật, khai thác và sử dụng chính xác, nhất quán và đầy đủ;

+ Quản lý chất lượng dữ liệu, bao gồm bảo đảm dữ liệu chính xác, đầy đủ, kịp thời và phù hợp với yêu cầu nghiệp vụ.

Trần Huyền Trang

0 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;