Quy định về tiêu chuẩn Trưởng đoàn thanh tra mới nhất

Quy định về tiêu chuẩn Trưởng đoàn thanh tra mới nhất
Tran Thanh Rin

Xin cho tôi hỏi để trở thành Trưởng đoàn thanh tra thì cá nhân cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn như thế nào? – Thu Trang (Quảng Ngãi)

Quy định về tiêu chuẩn Trưởng đoàn thanh tra mới nhất

Quy định về tiêu chuẩn Trưởng đoàn thanh tra mới nhất (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Quy định về tiêu chuẩn Trưởng đoàn thanh tra mới nhất

1.1. Tiêu chuẩn chung

Để trở thành Trưởng đoàn thanh tra thì cá nhân cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung quy định tại khoản 1 Điều 28 Nghị định 43/2023/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan;

- Có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của cuộc thanh tra;

- Am hiểu về nghiệp vụ thanh tra; có khả năng phân tích, đánh giá, tổng hợp những vấn đề liên quan đến nội dung, lĩnh vực được thanh tra;

- Có khả năng tổ chức, điều hành, hướng dẫn các thành viên trong Đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ thanh tra được giao.

1.2. Tiêu chuẩn cụ thể

Cụ thể tại khoản 2 Điều 28 Nghị định 43/2023/NĐ-CP quy định về các tiêu chuẩn cụ thể của Trường đoàn thanh tra như sau:

- Đoàn thanh tra do Tổng Thanh tra Chính phủ thành lập thì Trưởng đoàn thanh tra phải từ Thanh tra viên chính trở lên;

- Đoàn thanh tra do Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh Thanh tra tỉnh thành lập thì Trưởng đoàn thanh tra phải từ Thanh tra viên chính trở lên;

- Đoàn thanh tra do Chánh Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ thành lập thì Trưởng đoàn thanh tra phải từ Thanh tra viên trở lên;

- Đoàn thanh tra do Chánh Thanh tra sở, Chánh thanh tra huyện thành lập thì Trưởng đoàn thanh tra phải từ Thanh tra viên trở lên.

2. Các trường hợp không được làm Trưởng đoàn thanh tra

Theo khoản 2 Điều 29 Nghị định 43/2023/NĐ-CP, người thuộc một trong các trường hợp sau đây không được làm Trưởng đoàn thanh tra:

- Thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 29 Nghị định 43/2023/NĐ-CP;

+ Người góp vốn vào doanh nghiệp, có cổ phần tại doanh nghiệp là đối tượng thanh tra, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

+ Người đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

+ Người bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự mà chưa hết thời hạn xóa kỷ luật, xóa án tích.

- Người có vợ hoặc chồng, bố, mẹ đẻ, bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng, con, anh, chị, em ruột, hoặc anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra.

3. Các trường hợp xem xét, thay đổi Trưởng đoàn thanh tra

Người ra quyết định thanh tra xem xét, thay đổi Trưởng đoàn thanh tra khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a và điểm d khoản 1 Điều 30 Nghị định 43/2023/NĐ-CP và mục 2;

+ Có một trong các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 8 Luật Thanh tra 2022

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; lạm quyền trong quá trình tiến hành thanh tra.

Thanh tra không đúng thẩm quyền, không đúng với nội dung quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra đã được phê duyệt.

Cố ý không ra quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật phải tiến hành thanh tra; bao che cho đối tượng thanh tra; cố ý kết luận sai sự thật; kết luận, quyết định, xử lý trái pháp luật; không kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện qua thanh tra đến cơ quan điều tra để xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.

Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ trong hoạt động thanh tra.

Tiết lộ thông tin, tài liệu liên quan đến cuộc thanh tra khi kết luận thanh tra chưa được công khai.

Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra; tác động làm sai lệch kết quả thanh tra, kết luận, kiến nghị thanh tra.

Không cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cung cấp không kịp thời, không đầy đủ, không trung thực, thiếu chính xác; chiếm đoạt, tiêu hủy tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra.

Chống đối, cản trở, mua chuộc, đe dọa, trả thù, trù dập người tiến hành thanh tra, người thực hiện giám sát, người thực hiện thẩm định, người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; gây khó khăn cho hoạt động thanh tra.

Hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của luật.

+ Không hoàn thành nhiệm vụ được giao, không đủ sức khỏe hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

- Không chấp hành chế độ thông tin báo cáo, chỉ đạo, điều hành của người ra quyết định thanh tra;

- Có căn cứ cho rằng không đủ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ thanh tra;

- Được giao nhiệm vụ khác theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

(Khoản 2 Điều 30 Nghị định 43/2023/NĐ-CP)

Xem thêm tại Nghị định 43/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023.

5223 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;