Tôi muốn biết hồ sơ đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ bao gồm những gì? – Tùng Dương (Lâm Đồng)
Quy định mới về hồ sơ đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Ngày 07/11/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 78/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước.
Theo đó, hồ sơ đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam đối với một khách hàng hoặc một khách hàng và người có liên quan gửi Bộ Tài chính bao gồm:
- Văn bản của Ngân hàng Phát triển Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép cấp tín dụng vượt giới hạn đối với một khách hàng hoặc một khách hàng và người có liên quan;
- Văn bản chứng minh Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã đáp ứng điều kiện tại khoản 6 Điều 7 Nghị định 32/2017/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 78/2023/NĐ-CP), cụ thể:
Ngân hàng Phát triển Việt Nam khi đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn tại khoản 4 Điều 7 Nghị định 32/2017/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 78/2023/NĐ-CP) phải đáp ứng các điều kiện sau:
(i) Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức tín dụng khác để cùng cho vay dự án được đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn mà khả năng cùng cho vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các tổ chức tín dụng khác chưa đáp ứng được yêu cầu vay vốn của một khách hàng; hoặc đã phát hành thư mời cùng cho vay tới ít nhất 05 tổ chức tín dụng khác, đăng trên trang thông tin điện tử chính thức của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian ít nhất 30 ngày làm việc nhưng không có tổ chức tín dụng khác tham gia cùng cho vay;
(ii) Tại thời điểm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định pháp luật đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
(iii) Đảm bảo giới hạn tổng mức dư nợ cấp tín dụng không vượt quá bốn lần vốn tự có và số dư trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh có kỳ hạn còn lại từ 05 năm trở lên của Ngân hàng Phát triển Việt Nam khi tính cả khoản cấp tín dụng vượt giới hạn đang đề nghị.
- Văn bản thẩm định của Ngân hàng Phát triển Việt Nam đối với khách hàng và dự án vay vốn của khách hàng;
- Văn bản đề nghị được cấp tín dụng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam của khách hàng (bản sao được cấp từ bản gốc hoặc bản sao có dấu xác nhận của Ngân hàng Phát triển Việt Nam);
- Hồ sơ pháp lý liên quan đến khách hàng đề nghị cấp tín dụng (bản sao được cấp từ bản SOC hoặc bản sao có dấu xác nhận của Ngân hàng Phát triển Việt Nam), bao gồm: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định thành lập do cấp có thẩm quyền ban hành (đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính), báo cáo tài chính đã được kiểm toán của 03 năm liền trước năm đề nghị và các tài liệu liên quan khác chứng minh khách hàng đã đáp ứng đầy đủ điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 7 Nghị định 32/2017/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 78/2023/NĐ-CP);
- Hồ sơ pháp lý liên quan đến dự án đề nghị cấp tín dụng (bản sao được cấp từ bản gốc hoặc bản sao có dấu xác nhận của Ngân hàng Phát triển Việt Nam), bao gồm: Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản phê duyệt, chấp thuận dự án của cấp có thẩm quyền và các tài liệu có liên quan khác (nếu có);
- Báo cáo về tình hình quan hệ tín dụng và nhu cầu cấp tín dụng vượt giới hạn của một khách hàng hoặc một khách hàng và người có liên quan.
(Khoản 7 Điều 7 Nghị định 32/2017/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 78/2023/NĐ-CP)
Việc xém xét cấp tín dụng vượt giới hạn sẽ thực hiện theo trình tự thủ tục như sau:
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam gửi Bộ Tài chính 01 bộ hồ sơ nêu bằng hình thức trực tiếp hoặc bằng đường bưu điện;
- Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Bộ Tài chính có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương có liên quan về các khía cạnh kinh tế - kỹ thuật - pháp lý của dự án và khách hàng đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn.
Trong trường hợp hồ sơ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam không đáp ứng được các điều kiện quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều này, Bộ Tài chính có văn bản thông báo cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam các điều kiện mà khách hàng, dự án và Ngân hàng Phát triển Việt Nam chưa đáp ứng được;
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến từ Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương có ý kiến bằng văn bản về các nội dung thuộc lĩnh vựcquản lý của đơn vị mình gửi Bộ Tài chính.
Trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính yêu cầu Ngân hàng Phát triển Việt Nam, khách hàng giải trình những vấn đề mà các bộ, ngành, địa phương có ý kiến trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Tài chính nhận được đầy đủ ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của Bộ Tài chính, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, khách hàng có văn bản gửi Bộ Tài chính giải trình những vấn đề mà các bộ, ngành, địa phương có ý kiến;
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ ý kiến của các bộ, ngành, địa phương hoặc ý kiến giải trình của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, khách hàng, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam biết, thực hiện.
(Khoản 9 Điều 7 Nghị định 32/2017/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 78/2023/NĐ-CP)
Xem thêm Nghị định 78/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 22/12/2023.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |