Bài viết sau có nội dung về kỹ thuật về thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TPHCM được quy định trong Quyết định 63/2024/QĐ-UBND.
Quy định kỹ thuật về thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TPHCM (Hình từ Internet)
Ngày 20/9/2024, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định 63/2024/QĐ-UBND về Quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo khoản 9 Điều 6 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 63/2024/QĐ-UBND thì quy định về kỹ thuật về thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TPHCM như sau:
(1) Phương tiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn (thủ công và cơ giới) phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Yêu cầu về an toàn kỹ thuật, vệ sinh môi trường (kín, không rò rỉ nước rỉ rác, có nắp đậy).
- Tuân thủ các quy định hiện hành của Luật giao thông đường bộ Việt Nam.
- Xung quanh phương tiện phải được sơn hoặc dán đề can phản quang (đối với phương tiện thực hiện vào ban đêm), ghi tên đơn vị chủ quản và trang bị đèn cảnh báo vào ban đêm.
- Tuân thủ thời gian áp dụng mẫu phương tiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đáp ứng quy cách kỹ thuật thống nhất trên toàn địa bàn Thành phố và phục vụ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn do Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành.
(2) Thời gian chuyển giao và thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn:
Phải đảm bảo kết nối hiệu quả giữa công tác thu gom tại nguồn với công tác vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và đảm bảo vệ sinh, mỹ quan đô thị.
(3) Phương thức chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt:
- Cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải chuyển giao trực tiếp hoặc để chất thải rắn sinh hoạt trong các bao bì (túi) hoặc thiết bị lưu giữ (thùng) trước mặt tiền nhà/cơ sở chờ chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đến thu gom trong khoảng thời gian quy định (khuyến khích thực hiện phương thức chuyển giao trực tiếp).
- Khi thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải chuyển giao (bán, tặng) nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế cho chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt hoặc cá nhân, cơ sở thu mua chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý và xử lý có chức năng theo quy định của pháp luật.
- Trưởng khu phố, ấp chủ trì lập danh sách, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã giải quyết các trường hợp cá nhân, hộ gia đình (và các chủ nguồn thải nhỏ chọn hình thức quản lý chất thải rắn sinh hoạt như cá nhân, hộ gia đình) không có điều kiện chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt theo đúng thời gian quy định. Ủy ban nhân dân cấp xã xác định thời gian chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt và vị trí đặt thùng để lưu chứa, thu gom tập trung chất thải của các cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải nhỏ này.
Dung tích thùng chứa tùy thuộc vào số lượng cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải nhỏ đăng ký sử dụng và khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh. Các cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải nhỏ trong trường hợp này phải trả mức giá cụ thể dịch vụ tương tự các đối tượng theo quy định giá cụ thể dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt do cơ quan có thẩm quyền ban hành để được cung ứng dịch vụ này. Ủy ban nhân dân cấp xã làm việc với các chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt để thực hiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại vị trí này.
Trong trường hợp các chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt không thực hiện công tác này, các vị trí đặt thùng được xem như điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt và được đưa vào nội dung đấu thầu, đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ cung ứng dịch vụ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn cấp huyện theo quy định của pháp luật.
(4) Phương thức thu gom chất thải rắn sinh hoạt: Chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt phải đảm bảo thu gom riêng biệt các nhóm chất thải sau phân loại. Trường hợp thu gom cùng lúc các nhóm chất thải sau phân loại, chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt phải đảm bảo phương tiện thu gom có thiết bị lưu giữ riêng các nhóm chất thải sau phân loại bên trong phương tiện thu gom; không được treo, móc chất thải ở bên ngoài phương tiện.
(5) Tùy vào đặc điểm của mỗi khu vực dân cư, Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì, phối hợp với chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt và đại diện của các cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải, cộng đồng dân cư xác định thời gian và phương thức chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với hiện trạng của khu vực và quy định của nhà nước.
(6) Tần suất thu gom tại nguồn
Đối với khu vực đông dân cư và trong khu công nghiệp, khu chế xuất, tần suất thu gom tối thiểu là 01 ngày/lần. Đối với khu vực dân cư thưa thớt, tần suất thu gom tối thiểu 1-2 ngày/lần. Tùy vào đặc điểm dân cư từng khu vực, điều kiện cung ứng dịch vụ thực tế và ý kiến của cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải, cộng đồng dân cư, Ủy ban nhân dân cấp xã quy định tần suất thu gom phù hợp.
Xem thêm Quyết định 63/2024/QĐ-UBND có hiệu lực từ 01/10/2024.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |