(Chinhphu.vn) - Với đại đa số đại biểu Quốc hội tán thành (93,44%), sáng 20/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Ảnh: quochoi.vn
Luật được thông qua có bố cục gồm 7 chương với 115 điều, quy định về thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể, phá sản và hoạt động có liên quan của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; chính sách của Nhà nước về phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Đối tượng áp dụng của Luật gồm: Tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Thành viên của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể, phá sản và hoạt động có liên quan của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Luật quy định rõ quyền của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là: Tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. Quyết định việc tổ chức, quản lý và hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; thuê và sử dụng lao động. Được sản xuất, kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Yêu cầu thành viên đăng ký nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ cho thành viên. Cung cấp sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài sau khi hoàn thành nghĩa vụ và bảo đảm lợi ích của thành viên theo quy định của Điều lệ hoặc pháp luật có liên quan. Cung cấp dịch vụ, tổ chức hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa vì mục tiêu chăm lo đời sống của thành viên, cộng đồng và phát triển bền vững.
Tham gia thực hiện chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư. Kết nạp mới, chấm dứt tư cách thành viên theo quy định của pháp luật về hợp tác xã. Liên danh, liên kết, hợp tác với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để thực hiện mục tiêu hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp nhằm mục tiêu hỗ trợ hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Thực hiện việc phân phối thu nhập, xử lý các khoản lỗ, khoản nợ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã...
Về chính sách đất đai, theo quy định của Luật: Trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chính quyền địa phương ưu tiên bố trí quỹ đất cho tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuê; ưu đãi hợp lý về giá và thời gian cho thuê đất đối với tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chưa được hỗ trợ thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.
Tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuê đất, đất có mặt nước của Nhà nước để sản xuất, kinh doanh thì được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê đất có mặt nước; trường hợp thuê, thuê lại đất, đất có mặt nước của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để sản xuất, kinh doanh thì được Nhà nước hỗ trợ tiền thuê đất, thuê đất có mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai.
Nhà nước tạo điều kiện để tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sử dụng đất ổn định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật về đất đai.
Luật quy định rõ quyền của thành viên hợp tác xã là: Được hợp tác xã cung ứng sản phẩm, dịch vụ hoặc việc làm. Được phân phối thu nhập theo quy định của Luật này và Điều lệ. Được hưởng phúc lợi của hợp tác xã. Được tham dự hoặc bầu đại biểu tham dự Đại hội thành viên. Được biểu quyết nội dung thuộc thẩm quyền của đại hội thành viên. Ứng cử, đề cử thành viên hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc), thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu. Được cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động của hợp tác xã. Được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ phục vụ hoạt động của hợp tác xã. Ra khỏi hợp tác xã theo quy định của Luật này và Điều lệ...
Luật cũng nêu rõ các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên chính thức bao gồm: Thành viên chấm dứt tồn tại, giải thể, phá sản. Liên hiệp hợp tác xã chấm dứt tồn tại, giải thể, phá sản. Thành viên tự nguyện ra khỏi liên hiệp hợp tác xã. Thành viên bị khai trừ theo quy định của Điều lệ. Thành viên không sử dụng sản phẩm, dịch vụ hoặc không góp sức lao động trong thời gian liên tục theo quy định của Điều lệ;...
Về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, Luật nêu rõ: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong phạm vi cả nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Bộ, cơ quan ngang bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo thẩm quyền, thực hiện các biện pháp về phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương...
Hải Liên
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |