Xin hỏi phạm vi Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm những vùng nào? – Anh Dũng (Long An)
Phạm vi Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi (Hình từ internet)
Quyết định 847/QĐ-TTg năm 2023 về phê duyệt Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Trên toàn bộ phần diện tích đất liền và một số đảo đông dân cư, có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh (Vân Đồn, Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Phú Quý, Lý Sơn, Phú Quốc, Côn Đảo), theo các vùng phát triển kinh tế-xã hội, theo các lưu vực sông, cụ thể như sau:
(1) Vùng trung du, miền núi phía Bắc: gồm 14 tỉnh (Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái) thuộc thượng, trung lưu lưu vực sông Hồng - Thái Bình, lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng và một phần thượng lưu lưu vực sông Mã.
(2) Vùng Đồng bằng sông Hồng: gồm 11 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh) thuộc hạ lưu của lưu vực sông Hồng - Thái Bình và các sông độc lập ven biển Quảng Ninh.
(3) Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung: gồm 14 tỉnh, thành phố (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) thuộc lưu vực sông Mã, sông Cả, sông Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn - Hà Thanh, các sông ven biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận, một phần hạ lưu lưu vực sông Ba và sông Đồng Nai. Chia thành 02 tiểu vùng: Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
(4) Vùng Tây Nguyên: gồm 5 tỉnh (Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) thuộc lưu vực sông Sê San, sông Srêpốk, phần thượng lưu lưu vực sông Ba và một phần thượng lưu lưu vực sông Đồng Nai.
(5) Vùng Đông Nam Bộ: gồm 6 tỉnh, thành phố (Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh) chủ yếu thuộc lưu vực sông Đồng Nai, Sài Gòn, lưu vực sông Ray và phụ cận.
(6) Vùng đồng bằng sông Cửu Long: gồm 13 tỉnh, thành phố (Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) phần lớn thuộc lưu vực sông Cửu Long, một phần thuộc lưu vực sông Đồng Nai.
(7) Các đảo: Vân Đồn, Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Phú Quý, Lý Sơn, Phú Quốc, Côn Đảo. Đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và các đảo nhỏ khác được nghiên cứu thực hiện trong các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành và quy hoạch tỉnh.
Quan điểm của Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi
- Phát triển hạ tầng thủy lợi, nâng cao năng lực cấp nước, tiêu thoát nước phục vụ dân sinh, sản xuất nông nghiệp, tạo nguồn cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ và các ngành kinh tế trên cơ sở khả năng nguồn nước. Củng cố, xây dựng hạ tầng phòng, chống thiên tai nhằm chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên.
- Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi phải thống nhất, đồng bộ hệ thống quy hoạch quốc gia; có tầm nhìn và định hướng dài hạn, tổng thể, làm cơ sở lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thủy lợi, phòng, chống thiên tai và quy hoạch tỉnh.
- Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi nhằm giải quyết tồn tại, thách thức trong công tác thủy lợi, phòng, chống thiên tai liên vùng, liên tỉnh; cân đối, điều hòa nguồn nước trong phạm vi toàn quốc, vùng, lưu vực sông, hệ thống thủy lợi; quản lý, sử dụng nguồn nước theo lưu vực sông kết hợp với đơn vị hành chính.
- Công trình hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai kết hợp, đồng bộ với công trình giao thông, công trình hạ tầng khác theo hướng phục vụ đa mục tiêu, bảo đảm an ninh nguồn nước, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.
- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, vận hành công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai. Đầu tư hệ thống hạ tầng thủy lợi và phòng, chống thiên tai có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, nâng cao tỷ trọng nguồn lực đầu tư từ xã hội hóa.
Xem thêm tại Quyết định 847/QĐ-TTg năm 2023.
Dương Châu Thanh
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |