Tôi muốn biết nội dung kiểm tra an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm từ ngày 09/11/2023 sẽ bao gồm những gì? – Trung Tín (Khánh Hòa)
Nội dung kiểm tra an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm từ ngày 09/11/2023 (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Ngày 25/9/2023, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 17/2023/TT-BYT sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm do Bộ ban hành.
Cụ thể từ ngày 09/11/2023, nội dung kiểm tra an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm như sau:
(1) Hồ sơ về hành chính, pháp lý của cơ sở:
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (kiểm tra, đánh giá theo loại hình cơ sở thuộc diện cấp hoặc không thuộc diện cấp quy định tại các điều 11, 12 và 28 Nghị định 15/2018/NĐ-CP); Giấy xác nhận đủ sức khỏe, Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm của các đối tượng theo quy định
(Hiện hành tại Thông tư 48/2015/TT-BYT yêu cầu: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm. Giấy xác nhận đủ sức khỏe của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Giấy chứng nhận cơ sở đạt ISO, HACCP (Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn) và tương đương)
(2) Hồ sơ liên quan đến Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, Bản tự công bố sản phẩm, Giấy xác nhận nội dung quảng cáo. Kiểm tra, đánh giá theo đối tượng, nội dung quy định tại các điều 4, 5, 6, 7, 8, 26 và 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP.
(Hiện hành tại Thông tư 48/2015/TT-BYT quy định như sau: Hồ sơ đối với Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy/Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, Giấy xác nhận nội dung quảng cáo)
(3) Hồ sơ, tài liệu và chấp hành của chủ cơ sở về điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ; người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; quy trình sản xuất, chế biến; vận chuyển và bảo quản thực phẩm; nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng của nguyên liệu, phụ gia và thành phẩm thực phẩm; các quy định khác có liên quan đến cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và sản phẩm thực phẩm;
(4) Nội dung ghi nhãn sản phẩm thực phẩm:
(5) Việc thực hiện kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm;
(6) Việc thực hiện các quy định về quảng cáo thực phẩm (đối với cơ sở có quảng cáo thực phẩm);
(7) Kiểm tra các giấy tờ liên quan đến việc kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu (đối với cơ sở nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm nhập khẩu);
(8) Lấy mẫu kiểm nghiệm trong trường hợp cần thiết. Áp dụng hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư 26/2012/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường và khoản 3, khoản 8 Điều 1 Thông tư 12/2017/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 26/2012/TT-BKHCN để lấy mẫu.
(Hiện hành tại Thông tư 48/2015/TT-BYT quy định: Lấy mẫu kiểm nghiệm trong trường hợp cần thiết. Việc lấy mẫu kiểm nghiệm thực hiện theo quy định tại Thông tư 14/2011/TT-BYT hướng dẫn chung về lấy mẫu thực phẩm phục vụ thanh tra, kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm)
Cụ thể tại Điều 68 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định về trách nhiệm kiểm tra an toàn thực phẩm như sau:
- Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm thuộc Bộ quản lý ngành thực hiện việc kiểm tra an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định tại các điều 61, 62, 63 và 64 Luật An toàn thực phẩm 2010.
- Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc kiểm tra an toàn thực phẩm trong phạm vi địa phương theo quy định của Bộ quản lý ngành và sự phân công của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Trong trường hợp kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm có liên quan đến phạm vi quản lý của nhiều ngành hoặc địa phương, cơ quan chủ trì thực hiện kiểm tra có trách nhiệm phối hợp với cơ quan hữu quan thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan để thực hiện.
- Hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm phải bảo đảm nguyên tắc:
+ Khách quan, chính xác, công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử;
+ Bảo vệ bí mật thông tin, tài liệu, kết quả kiểm tra liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra khi chưa có kết luận chính thức;
+ Không được sách nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
+ Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra, kết luận có liên quan.
- Bộ trưởng Bộ quản lý ngành quy định cụ thể về hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm trong phạm vi quản lý nhà nước được phân công.
Xem thêm nội dung tại Thông tư 17/2023/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 9/11/2023.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |