Xin hỏi những yêu cầu về nội dung nghiên cứu quy hoạch chung thủ đô Hà Nội gồm những gì? – Văn Toàn (Hà Nội)
Nội dung đề cập tại Quyết định 700/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Theo đó, những yêu cầu về nội dung nghiên cứu quy hoạch chung thủ đô Hà Nội gồm:
(1) Phân tích vai trò, vị thế và các mối liên hệ vùng:
- Phân tích vị trí, vai trò là “Trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước”; tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế.
- Phân tích vị thế, vai trò của Thủ đô trong đối ngoại và hội nhập quốc tế; vai trò trong định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia, vai trò trong Quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng và Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội.
- Phân tích hiện trạng và khả năng kết nối về phát triển kinh tế trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng, các hành lang kinh tế; phân tích kết nối giao thông đối ngoại, đối nội, giao thông đường bộ, đường sắt và đường hàng không được hình thành, khai thác tối ưu hệ thống giao thông đường thủy cho hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách và phát triển du lịch.
- Phân tích về phân vùng kiểm soát phát triển toàn thành phố giữa khu vực đô thị - nông thôn; phát triển nông thôn gắn với bảo tồn phát huy vị thế, vai trò giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng sẵn có.
- Đánh giá những tiềm năng và động lực phát triển, các ngành, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, sức lan tỏa tạo điều kiện phát triển, sức hấp dẫn của Thủ đô Hà Nội.
Những yêu cầu về nội dung nghiên cứu quy hoạch chung thủ đô Hà Nội (Hình từ internet)
(2) Phân tích, đánh giá các đặc điểm hiện trạng:
- Phân tích điều kiện tự nhiên, đặc trưng sông nước và các giá trị tự nhiên cần bảo tồn, gìn giữ trong phát triển Thủ đô.
- Phân tích, đánh giá hiện trạng về kinh tế - xã hội - môi trường thông qua các chỉ số, cơ cấu kinh tế; đặc điểm dân cư, lao động, các hiện tượng địch cư; các chỉ số về môi trường, khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu đến đô thị, nông thôn. Phân tích, đánh giá hiện trạng về lịch sử, văn hóa, về không gian văn hóa gắn với truyền thống, hiện trạng cơ cấu, phong tục tập quán các dân tộc, vùng miền.
- Phân tích, đánh giá định hướng phát triển không gian, quy hoạch sử dụng đất, cấu trúc đô thị và khu vực nông thôn: Phân tích, đánh giá về hiện trạng sử dụng đất; phân tích cấu trúc phân bố các chức năng chính, cấu trúc cảnh quan, các khu vực cửa ngõ đô thị, hệ thống trung tâm, quảng trường, không gian văn hóa, các khu chức năng trong đô thị. Đánh giá quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch chung năm 2011 về định hướng không gian, sử dụng đất, cấu trúc đô thị - nông thôn.
- Phân tích, đánh giá hiện trạng các hệ thống hạ tầng xã hội: y tế, giáo dục, văn hóa, công viên cây xanh, thể dục thể thao... hiện trạng phát triển nhà ở khu vực đô thị, nông thôn trong mối quan hệ hình thái của đô thị - nông thôn. Đánh giá quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch chung năm 2011 về tổ chức, phát triển hệ thống hạ tầng xã hội, bảo tồn không gian xanh, hành lang xanh.
- Phân tích, đánh giá hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường gồm: giao thông, cao độ nền và thoát nước mưa, năng lượng, chiếu sáng, thông tin liên lạc, cấp nước, thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang, bảo vệ môi trường... trong phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch. Đánh giá quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch chung năm 2011 về phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xác định những tồn tại, nội dung cần điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện để đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng đô thị theo phân loại.
- Phân tích, đánh giá hiện trạng khu vực nông thôn, hành lang xanh gồm: phân vùng sử dụng đất, bảo tồn phát huy giá trị làng cổ, làng nghề, phát triển dịch vụ, cụm công nghiệp, du lịch..., hạ tầng kỹ thuật, giao thông, cao độ nền và tiêu thoát nước mưa, hệ thống tưới tiêu, năng lượng, chiếu sáng, thông tin liên lạc, cấp nước, thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang, bảo vệ môi trường... trong phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch. Đánh giá quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch chung năm 2011 về phát triển, xác định những tồn tại, nội dung cần hoàn thiện.
- Phân tích đánh giá hiện trạng khu vực nông thôn thuộc bãi sông; việc triển khai theo quy hoạch phòng chống lũ và đê điều, đảm bảo ổn định phát triển dân cư; biện pháp di dời các khu dân cư ngoài bãi sông để đảm bảo an toàn theo quy hoạch phòng chống lũ và đê điều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Đánh giá các quy hoạch, dự án trên địa bàn Thủ đô đã được lập và phê duyệt; cập nhật các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng có liên quan đang triển khai thực hiện.
- Tổng hợp chung về thực trạng phát triển đô thị. Xác định các vấn đề trọng tâm cần giải quyết, làm cơ sở cho việc đề xuất nội dung và giải pháp điều chỉnh quy hoạch.
- Nguồn tài liệu, số liệu, thông tin về hiện trạng phải bảo đảm chất lượng, độ tin cậy, có nguồn rõ ràng; đảm bảo tính khoa học, đủ số lượng, đủ độ dài chuỗi dữ liệu theo thời gian để phục vụ công tác phân tích, đánh giá, dự báo trong quá trình lập quy hoạch.
(3) Xác định tầm nhìn, mục tiêu và động lực phát triển:
- Xác định tầm nhìn Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn dài hạn; xây dựng các mục tiêu phát triển theo từng giai đoạn quy hoạch đến năm 2030, năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, hướng tới phát triển bền vững theo mô hình đô thị xanh, thông minh. Xác định tầm nhìn đột phá cho phát triển Thủ đô Hà Nội trong bối cảnh phát triển mới.
- Xác định hệ thống các chỉ tiêu phát triển đô thị và nông thôn: đề xuất lựa chọn các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật; dự báo về tác động của điều kiện tự nhiên, phát triển kinh tế - xã hội, quy mô dân số, quy mô đất xây dựng đô thị và nông thôn, định hướng phát triển các khu vực làng xóm, ngoại thành đảm bảo ổn định; chỉ tiêu phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho toàn thành phố, khu vực đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, thành phố thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc và phía Tây... theo từng giai đoạn phát triển của Thủ đô, đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát triển và tính khả thi.
(4) Điều chỉnh định hướng phát triển không gian và sử dụng đất đô thị:
- Điều chỉnh mô hình phát triển, cấu trúc không gian toàn thành phố, đảm bảo gắn kết chặt chẽ với mô hình phát triển và cấu trúc không gian vùng, kết nối các đô thị trọng điểm trong vùng Thủ đô Hà Nội; đảm bảo phù hợp với phương án phát triển của các quy hoạch ngành quốc gia có liên quan đến phạm vi không gian Thủ đô; phù hợp với đặc thù của điều kiện địa hình, địa chất thủy văn và năng lực của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại từng khu vực phát triển; phát triển bền vững về môi trường sinh thái, bảo vệ những cấu trúc sinh thái tự nhiên khu vực nông thôn, đảm bảo tính chống chịu và khả năng phục hồi trước những tác động biến đổi; gắn với lộ trình chuyển đổi các huyện thành quận theo định hướng tổ chức đơn vị hành chính của Thủ đô.
- Định hướng phát triển không gian cho khu vực đô thị trung tâm hướng tới gia tăng giá trị, sức hấp dẫn, đặc trưng và bản sắc riêng cho Thủ đô, tạo điều kiện thu hút đầu tư cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị.
Không gian cho khu vực đô thị trung tâm cần khai thác các trục cảnh quan sông, hồ của Thủ đô gắn với phát triển kinh tế dịch vụ, xây dựng hạ tầng xanh đa chức năng như giao thông thủy, điều tiết nước, không gian mở công cộng và tạo dựng bản sắc cảnh quan sông nước đặc trưng; tạo điều kiện cho công tác thu hút đầu tư bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa lịch sử, xây dựng hệ thống không gian mở, cây xanh, các quảng trường chức năng... gắn với các dự án phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông công cộng.
(5) Định hướng kiến trúc cảnh quan khu vực đô thị, nông thôn:
- Nghiên cứu định hướng về kiến trúc cảnh quan cho khu vực đô thị, khu vực nông thôn và cho các khu vực cảnh quan, khu vực bảo tồn; khai thác tối đa đặc điểm địa hình, cảnh quan tự nhiên và xác định hình thái không gian kiến trúc cảnh quan phù hợp với điều kiện hiện trạng, chức năng của khu vực đô thị.
- Nghiên cứu quy định kiểm soát chặt chẽ và thực hiện việc bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc có giá trị tại khu vực phố cổ, phố cũ, các khu vực trong đô thị; khuyến khích bảo tồn và phát huy giá trị các không gian kiến trúc truyền thống; định hướng kiến trúc nhà ở nông thôn, xây dựng theo hướng mật độ thấp, đáp ứng tiện nghi và sinh hoạt hiện đại, thống nhất về ngôn ngữ kiến trúc, tiến tới mô hình nông thôn hiện đại có bản sắc trong Thủ đô.
(6) Định hướng phát triển không gian ngầm và hạ tầng ngầm:
Định hướng quy hoạch phát triển không gian ngầm, hạ tầng ngầm làm cơ sở cho công tác quản lý phát triển các không gian ngầm, hạ tầng ngầm công cộng, sử dụng chung và của các công trình chức năng trong đô thị.
(7) Định hướng quy hoạch sử dụng đất theo các giai đoạn:
Xác định chức năng các khu vực; xác định chỉ tiêu về mật độ dân cư, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị; định hướng và nguyên tắc phát triển đối với từng khu chức năng; đề xuất kế hoạch sử dụng đất phù hợp với từng giai đoạn phát triển; xác định quỹ đất dự kiến xây dựng phát triển đô thị, ranh giới các khu vực đô thị.
(8) Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật:
* Yêu cầu nghiên cứu trọng tâm:
- Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung của toàn thành phố phù hợp với nội dung các quy hoạch ngành hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch ngành quốc gia, xem xét đồng bộ các giai đoạn phát triển và bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu, với mục tiêu phát triển thành phố xanh, bền vững và thông minh trong quản lý và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị.
- Đề xuất các giải pháp để khắc phục tình trạng quá tải và kết nối thiếu đồng bộ của cơ sở hạ tầng kỹ thuật toàn thành phố và vùng Thủ đô Hà Nội, đặc biệt về hạ tầng giao thông; giảm thiểu tác động của các vấn đề môi trường đô thị. Nghiên cứu gắn kết giữa giao thông công cộng với sử dụng đất để khai thác hiệu quả đất đai, mở rộng không gian phát triển đô thị và khu chức năng.
* Các nội dung nghiên cứu chủ yếu:
- Kết nối hạ tầng vùng:
Nghiên cứu cụ thể hóa các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng Thủ đô, quy hoạch vùng có liên quan, phát triển hệ thống hạ tầng liên vùng, liên tỉnh, gồm hệ thống các tuyến giao thông hướng tâm, vành đai, đường sắt, đường thủy, hàng không liên vùng, phòng chống lũ lụt dọc các tuyến sông, công trình đầu mối hạ tầng cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn, bảo vệ môi trường. Đặc biệt ưu tiên giải pháp phát triển hạ tầng vùng đô thị lớn gắn với vùng Thủ đô Hà Nội, khuyến khích ứng dụng các giải pháp hạ tầng xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Giao thông:
Đề xuất các giải pháp quy hoạch để khắc phục tình trạng quá tải và kết nối thiếu đồng bộ của cơ sở hạ tầng kỹ thuật toàn Thủ đô và vùng Thủ đô, đặc biệt về hạ tầng giao thông; giảm thiểu tác động của các vấn đề môi trường đô thị, ách tắc giao thông.
Nghiên cứu gắn kết giữa giao thông công cộng với sử dụng đất để khai thác hiệu quả đất đai, tạo điều kiện phát triển hệ thống giao thông công cộng khối lượng lớn, mở rộng không gian phát triển đô thị và khu chức năng.
Xác định mạng lưới giao thông đối ngoại gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không; vị trí và quy mô cảng hàng không, cảng sông, ga đường sắt; tuyến đường bộ, đường sắt đô thị (trên cao, trên mặt đất, ngầm); xác định vị trí, quy mô bến xe đối ngoại gắn với các yêu cầu phát triển đồng bộ hạ tầng logistics.
Dự báo nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa và khả năng thích ứng của hệ thống giao thông vận tải. Xác định mạng lưới giao thông chính cấp đô thị, tuyến và ga đường sắt đô thị (trên cao, mặt đất và ngầm); tổ chức hệ thống giao thông công cộng và hệ thống bến, bãi đỗ xe (trên cao, mặt đất và ngầm) theo từng giai đoạn; xác định quy mô các trục chính đô thị và hệ thống hào, tuy-nen kỹ thuật. Nghiên cứu thiết lập hệ thống giao thông công cộng đô thị, giao thông tĩnh và xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông thông minh, dịch vụ thông minh.
Tổ chức kết nối hệ thống giao thông ngầm với quy hoạch không gian ngầm của thành phố. Đề xuất quan điểm giải quyết vấn đề giao thông khu nội thành cũ, khu trung tâm hiện hữu; kết nối giao thông vùng, liên vùng, liên kết các đầu mối hạ tầng quan trọng của vùng.
- Thủy lợi, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu:
Rà soát, cập nhật các định hướng phát triển hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai theo các quy hoạch ngành quốc gia, đề xuất các giải pháp quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi, đê điều, các giải pháp ứng phó với lũ lụt dọc các tuyến sông, ngập lụt tại các khu vực xây dựng đô thị tập trung, các giải pháp ứng phó với ngập lụt đô thị, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
- Cao độ nền và thoát nước mưa:
Đề xuất định hướng cải tạo cao độ nền và thoát nước mặt toàn thành phố, trong đó xem xét đến tác động kép của hiện tượng sụt lún nền đất và biến đổi khí hậu. Đề xuất các giải pháp san lấp tạo mặt bằng xây dựng, tăng diện tích mặt thấm và tăng khả năng trữ nước trước khi xả ra nguồn thoát.
Phân lưu vực thoát nước, xác định hệ thống thoát nước mưa hợp lý và tách riêng với hệ thống thoát nước thải, xác định cao độ nền xây dựng cho các khu vực theo lưu vực thoát nước, đảm bảo kiểm soát ngập úng do mưa, triều cường và đảm bảo tiêu thoát lũ; thống nhất, đồng bộ với quy hoạch thủy lợi, tưới tiêu, chống ngập úng, đảm bảo đồng bộ các giải pháp thống nhất khu vực đô thị và nông thôn (phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch xây dựng thành phố).
- Cấp điện, năng lượng và chiếu sáng:
Dự báo nhu cầu phụ tải điện và nhu cầu sử dụng năng lượng khác; xác định nguồn cung cấp năng lượng (bao gồm đề xuất giải pháp sử dụng các dạng năng lượng sạch, tái tạo), vị trí, quy mô các công trình đầu mối và mạng lưới phân phối chính của hệ thống cấp năng lượng, chiếu sáng đô thị theo từng giai đoạn; đảm bảo thống nhất, đồng bộ với hệ thống công trình, mạng lưới truyền tải và phân phối điện tại quy hoạch điện lực quốc gia và quy hoạch năng lượng khác.
- Hạ tầng thông tin truyền thông:
Xác định vị trí, quy mô các công trình đầu mối và mạng lưới phân phối chính của hệ thống thông tin truyền thông theo từng giai đoạn, đảm bảo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị theo mô hình đô thị thông minh. Đề xuất nguyên tắc về quản lý, tổ chức việc ngầm hóa, sử dụng chung hạ tầng mạng viễn thông; phát triển hạ tầng số hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế số, thực hiện mục tiêu đột phá quản lý thành phố và xây dựng chính quyền số.
- Cấp nước:
Rà soát, cập nhật điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành cấp nước Thủ đô, thống nhất với chiến lược cung cấp nước sạch và an ninh nguồn nước. Xác định chỉ tiêu và tiêu chuẩn thiết kế. Đánh giá và lựa chọn nguồn cấp nước (đa dạng hóa nguồn nước cấp, bảo đảm cung cấp cho dân số thành phố); lập các phương án cấp nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; lựa chọn công nghệ xử lý nước, tái sử dụng nguồn nước. Xác định vị trí, quy mô các công trình đầu mối và mạng lưới phân phối chính của hệ thống cấp nước theo từng giai đoạn. Đề xuất các biện pháp bảo vệ nguồn nước và các công trình cấp nước.
- Thu gom và xử lý nước thải:
Rà soát, cập nhật điều chỉnh bổ sung các vị trí, quy mô các công trình đầu mối và mạng lưới phân phối chính của hệ thống thoát nước thải theo từng giai đoạn, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy hoạch tổng thể thoát nước của thành phố. Đề xuất định hướng, giải pháp quy hoạch hướng tới tái sử dụng nước thải và các yêu cầu về chất lượng nước đối với các loại nước thải sau khi xử lý.
- Thu gom, xử lý chất thải rắn và quản lý nghĩa trang:
Rà soát, cập nhật, điều chỉnh bổ sung các vị trí, quy mô các công trình đầu mối xử lý, mạng lưới thu gom chất thải rắn chính từng giai đoạn; vị trí, quy mô tính chất của các nghĩa trang. Đề xuất các yêu cầu, biện pháp quản lý môi trường đối với công trình đầu mối thu gom, xử lý chất thải rắn và nghĩa trang.
(9) Giải pháp về bảo vệ môi trường:
- Đánh giá những quyết định về định hướng phát triển không gian đô thị, bố trí các khu chức năng; giảm thiểu tác động xấu đến môi trường khi mở rộng phát triển đô thị, đảm bảo giữ gìn và chuyển hóa hợp lý khu vực nông nghiệp xung quanh khu vực đô thị hiện nay.
- Giải pháp về bảo vệ môi trường gắn với kịch bản ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tích hợp với diễn biến sụt lún nền đất trên địa bàn thành phố. Xây dựng các giải pháp bảo vệ môi trường, khuyến cáo sử dụng đất, cấu trúc đô thị, cơ chế chính sách, nguồn lực, nhằm giảm thiểu các thiệt hại trong trường hợp thiên tai hoặc biến đổi môi trường lớn xảy ra.
- Đề xuất các giải pháp, các yêu cầu về bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái, bảo tồn di sản văn hóa, công trình kiến trúc, cảnh quan có giá trị gắn liền với lịch sử hình thành đô thị, phù hợp với không gian, kiến trúc, cảnh quan đặc trưng của Thủ đô.
(10) Thực hiện quy hoạch:
- Phân kỳ thực hiện quy hoạch; xác định các chương trình - dự án ưu tiên đầu tư cho từng giai đoạn nhằm cụ thể hoá các mục tiêu, danh mục công trình trọng điểm nhà nước cần đầu tư và mời gọi đầu tư.
- Đề xuất các cơ chế, chính sách và giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch: xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn trong việc xác định nguồn lực, đề xuất cơ chế chính sách huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội để thực hiện quy hoạch.
(11) Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chung:
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chung gồm các quy định chung, quy định cụ thể đối với từng khu vực. Cụ thể sẽ được xác lập trong giai đoạn nghiên cứu lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô theo quy định.
Dương Châu Thanh
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |