Những loại tài sản bảo đảm giảm thiểu rủi ro tín dụng tại ngân hàng từ ngày 01/7/2024

Xin cho tôi hỏi những loại tài sản bảo đảm nào giảm thiểu rủi ro tín dụng tại ngân hàng từ ngày 01/7/2024? - Thảo Nguyên (Hà Tĩnh)

Những loại tài sản bảo đảm giảm thiểu rủi ro tín dụng tại ngân hàng từ ngày 01/7/2024 (Hình từ internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

Ngày 29/12/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 22/2023/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

1. Những loại tài sản bảo đảm giảm thiểu rủi ro tín dụng tại ngân hàng từ ngày 01/7/2024

Theo đó, việc giảm thiểu rủi ro tín dụng bằng tài sản bảo đảm chỉ áp dụng đối với các tài sản bảo đảm sau đây:

- Tiền mặt, giấy tờ có giá, thẻ tiết kiệm do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành;

- Vàng (vàng vật chất, vàng tiêu chuẩn, vàng trang sức với giá trị được chuyển đổi giá trị sang vàng 99.99);

- Giấy tờ có giá do Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, các ngân hàng chính sách phát hành hoặc bảo lãnh thanh toán;

- Chứng khoán nợ do chính phủ các nước, tổ chức công lập của chính phủ các nước phát hành được doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm độc lập xếp hạng từ BB- trở lên;

- Chứng khoán nợ do doanh nghiệp phát hành được doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm độc lập xếp hạng từ BBB- trở lên;

- Cổ phiếu được niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

(Khoản 1 Điều 12 Thông tư 41/2016/TT-NHNN (sửa đổi tại Thông tư 22/2023/TT-NHNN))

2. Yêu cầu đối với các loại tài sản bảo đảm giảm thiểu rủi ro tín dụng tại ngân hàng

Các loại tài sản bảo đảm nêu tại mục 1 cần phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

- Tuân thủ đúng quy định pháp luật về giao dịch đảm bảo;

- Giấy tờ có giá, chứng khoán nợ, cổ phiếu không do khách hàng và (hoặc) công ty mẹ, công ty con, công ty liên kết của khách hàng phát hành hoặc bảo lãnh thanh toán.

- Tài sản bảo đảm quy định tại (5) và (6) phải có giao dịch khớp lệnh trong thời gian 10 ngày làm việc liền kề trước thời điểm tính toán và được tính theo giá thị trường tham chiếu hàng ngày (daily mark-to- market).

(Khoản 2 Điều 12 Thông tư 41/2016/TT-NHNN (sửa đổi tại Thông tư 22/2023/TT-NHNN))

3. Giảm thiểu rủi ro tín dụng bằng bù trừ số dư nội bảng

Theo Điều 13 Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định về giảm thiểu rủi ro tín dụng bằng bù trừ số dư nội bảng như sau:

- Bù trừ số dư nội bảng là việc ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài điều chỉnh giảm giá trị khoản phải đòi theo số dư tiền gửi của chính khách hàng đó tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

- Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được điều chỉnh giảm giá trị khoản phải đòi bằng bù trừ số dư nội bảng khi tính Tổng tài sản tính theo rủi ro tín dụng nếu có đầy đủ các điều kiện sau:

+ Có đầy đủ hồ sơ pháp lý về thỏa thuận bù trừ số dư tài sản và nợ phải trả của khách hàng, đối tác bất kể khách hàng, đối tác có mất khả năng thanh toán hoặc phá sản;

+ Xác định số dư tài sản và nợ phải trả đối với từng khách hàng, đối tác theo thỏa thuận bù trừ số dư nội bảng tại mọi thời điểm;

+ Theo dõi và kiểm soát được các rủi ro;

+ Theo dõi và kiểm soát được trạng thái rủi ro của bù trừ số dư nội bảng.

Nguyễn Ngọc Quế Anh

646 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;