Nhiệm vụ quyền hạn về thương mại của Sở Công Thương

Nhiệm vụ quyền hạn về thương mại của Sở Công Thương
Dương Châu Thanh

Nhiệm vụ quyền hạn về thương mại của Sở Công Thương được sửa đổi, bổ sung một số nội dung từ ngày 22/8/2023.

Thông tư 15/2023/TT-BCT sửa đổi Thông tư 04/2022/TT-BCT hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Công Thương do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành ngày 30/6/2023 (có hiệu lực từ ngày 22/8/2023).

Nhiệm vụ quyền hạn về thương mại của Sở Công Thương

Nhiệm vụ quyền hạn về thương mại của Sở Công Thương (Hình từ internet)

Nhiệm vụ quyền hạn về thương mại của Sở Công Thương

(1) Thị trường trong nước:

Tham mưu xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách quản lý và phát triển theo chức năng, thẩm quyền: các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại như chợ, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng bán lẻ, sở giao dịch hàng hóa, trung tâm hội chợ, triển lãm, trung tâm đấu giá hàng hóa, trung tâm logistics và các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại khác; các loại hình tổ chức, hình thức và phương thức kinh doanh thương mại, như hợp tác xã thương mại, bán buôn, bán lẻ, đại lý thương mại, nhượng quyền thương mại, dịch vụ thương mại trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật;

(Hiện hành, Thông tư 04/2022/TT-BCT thì quy định: Tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách quản lý và phát triển: các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại như chợ, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng bán lẻ, sở giao dịch hàng hóa, trung tâm hội chợ, triển lãm, trung tâm đấu giá hàng hóa và các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại khác; các loại hình tổ chức, hình thức và phương thức kinh doanh thương mại, như hợp tác xã thương mại, bán buôn, bán lẻ, đại lý thương mại, nhượng quyền thương mại, dịch vụ thương mại, hoạt động logistics trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật;)

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích mở rộng mạng lưới kinh doanh, phát triển các tổ chức liên kết lưu thông hàng hóa, hình thành các kênh lưu thông hàng hóa ổn định từ sản xuất đến tiêu dùng trên địa bàn tỉnh;

Tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định về hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện: thuốc lá, rượu, xăng dầu, khí và các hàng hóa dịch vụ khác trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ Công Thương;

Triển khai thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân vùng biên giới, miền núi, hải đảo và vùng dân tộc và vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh (như cung cấp các mặt hàng thiết yếu, hỗ trợ lưu thông hàng hóa và dịch vụ thương mại...);

Tổ chức hoạt động điều tiết lưu thông hàng hóa, bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm, bình ổn và thúc đẩy thị trường nội tỉnh phát triển;

Tổng hợp và xử lý các thông tin thị trường trên địa bàn tỉnh về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tổng cung, tổng cầu, mức dự trữ lưu thông và biến động giá cả của các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng chính sách đối với nhân dân vùng biên giới, miền núi, hải đảo và vùng dân tộc. Đề xuất với cấp có thẩm quyền giải pháp điều tiết lưu thông hàng hóa trong từng thời kỳ.

(2) Về xuất khẩu, nhập khẩu:

Tham mưu xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án liên quan trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa; quản lý, theo dõi hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; phát triển dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh;

Quản lý hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và thương nhân không có hiện diện tại Việt Nam.

(3) Về thương mại biên giới (đối với các tỉnh có biên giới):

Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các chính sách quản lý, điều hành hoạt động phát triển thương mại biên giới theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh;

Chủ trì hoặc phối hợp việc trao đổi thông tin, phối hợp với các cơ quan có chức năng đối đẳng phía nước bạn có chung đường biên giới để đề xuất áp dụng các biện pháp tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong thương mại biên giới trên địa bàn;

Tổng hợp tình hình, số liệu hoạt động thương mại biên giới; kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, biện pháp đẩy mạnh thương mại biên giới cho phù hợp với thực tế trên địa bàn.

(4) Về thương mại điện tử và kinh tế số:

Tham mưu xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, đề án, chương trình, kế hoạch thương mại điện tử nhằm phát triển hạ tầng ứng dụng thương mại điện tử, phát triển nguồn nhân lực phục vụ quản lý thương mại điện tử và kinh tế số, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân ứng dụng thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh;

Thực hiện các nội dung quản lý nhà nước khác về thương mại điện tử theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ Công Thương.

(5) Về xúc tiến thương mại:

Tổ chức thực hiện các thủ tục hành chính về xúc tiến thương mại thuộc thẩm quyền;

Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về xúc tiến thương mại của thương nhân, tổ chức hoạt động có liên quan đến thương mại và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật của thương nhân, tổ chức hoạt động có liên quan đến thương mại;

Kiểm tra, tổng hợp quyết toán với cơ quan quản lý tài chính đồng cấp về số tiền theo quyết định thu và số tiền thực thu vào ngân sách nhà nước 50% giá trị đã công bố của giải thưởng không có người trúng thưởng của chương trình khuyến mại;

Tham mưu, đề xuất với chính quyền địa phương về các chương trình, kế hoạch, đề án xúc tiến thương mại trên địa bàn và thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án theo phân công;

Phối hợp với Bộ Công Thương trong việc quản lý hoạt động của các Văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam.

(6) Về quản lý cạnh tranh:

Tuyên tuyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về cạnh tranh trên địa bàn tỉnh;

Phát hiện và kiến nghị các cơ quan có liên quan giải quyết theo thẩm quyền về những hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh và văn bản ban hành có nội dung không phù hợp với pháp luật cạnh tranh.

(7) Về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp:

Chủ trì, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền;

Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan tại địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn;

Phát hiện và xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp;

Cấp, thu hồi xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương, xác nhận tiếp nhận thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương;

Thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp;

Tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên môn cho cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện công tác quản lý nhà nước về bán hàng đa cấp;

Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp cho các doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp;

Tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thông báo hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp;

Báo cáo theo định kỳ hàng năm hoặc đột xuất với Bộ Công Thương về công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn.

(8) Về phòng vệ thương mại:

Hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật phòng vệ thương mại bao gồm: chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại trên địa bàn tỉnh;

Phát hiện và kiến nghị các cơ quan có liên quan giải quyết theo thẩm quyền về những văn bản ban hành có nội dung không phù hợp với pháp luật về phòng vệ thương mại;

Đầu mối chủ trì hỗ trợ hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn ứng phó với các vụ việc điều tra, rà soát chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài;

Tổng hợp số liệu, tình hình hoạt động, thông tin xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh liên quan đến vụ việc về phòng vệ thương mại, phối hợp với cơ quan điều tra về phòng vệ thương mại trong công tác cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại;

Phối hợp với cơ quan điều tra về phòng vệ thương mại rà soát, cung cấp thông tin, xử lý các vấn đề liên quan đến việc điều tra, thẩm tra, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về phòng vệ thương mại đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh;

Đầu mối thu thập và cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra về phòng vệ thương mại về chính sách và thực tiễn hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong các vụ việc điều tra chống trợ cấp của nước ngoài.

(9) Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:

Trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương;

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tư vấn, hỗ trợ và nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương;

Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo thẩm quyền;

Thực hiện việc kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung tại địa phương theo quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ để cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng cấp huyện thực hiện các nội dung liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

Công bố công khai danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng theo thẩm quyền;

Quản lý hoạt động về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội tại địa phương; tạo điều kiện để tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoạt động; thẩm định các đề án, kế hoạch hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao thực hiện nhiệm vụ gắn với nhiệm vụ của Nhà nước; giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ khi giao cho tổ chức xã hội bảo vệ người tiêu dùng thực hiện;

Quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động hòa giải của tổ chức hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh tại địa phương theo quy định của pháp luật;

Báo cáo kết quả thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh theo định kỳ hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền cấp trên.

(10) Về quản lý thị trường:

Phối hợp với Cục Quản lý thị trường đóng trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ, chuyên đề, biện pháp phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Quản lý thị trường địa phương tránh chồng chéo, trùng lặp về đối tượng, nội dung kiểm tra, thanh tra với các lực lượng có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra của tỉnh.

(11) Về hội nhập kinh tế quốc tế:

Triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình, biện pháp cụ thể về hội nhập kinh tế quốc tế trên địa bàn tỉnh sau khi được phê duyệt;

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện kế hoạch, chương trình, các quy định về hội nhập kinh tế quốc tế của địa phương;

Tích cực phối hợp với Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch thực thi các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới;

Thực hiện các nội dung quản lý nhà nước khác về hội nhập kinh tế quốc tế theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ Công Thương.

(12) Về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài trên địa bàn tỉnh:

Quản lý hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài;

Quản lý hoạt động của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài.

(13) Về dịch vụ logistics: (Nội dung mới bổ sung)

Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan tham mưu xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật, phương án phát triển dịch vụ logistics và chương trình, đề án phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh;

Điều phối, hỗ trợ các Sở, ban, ngành, các Hiệp hội địa phương phát triển dịch vụ logistics và nâng cao năng lực doanh nghiệp logistics trên địa bàn tỉnh;

Tuyên truyền, phổ biến, phát triển thị trường, kết nối doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.

Dương Châu Thanh

340 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;