Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án cấp sơ thẩm

Ngày 24/6/2024, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 được Quốc hội thông qua, trong đó có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án cấp sơ thẩm.

         Nhiệm  vụ,  quyền  hạn  của  Tòa  án  cấp  sơ  thẩm

Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án cấp sơ thẩm (Hình từ internet)

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 24/6/2024.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án cấp sơ thẩm

Theo Điều 23 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án cấp sơ thẩm như sau:

- Tòa án cấp sơ thẩm có thẩm quyền xem xét, đánh giá, nhận định đầy đủ, khách quan, toàn diện các tình tiết của vụ án, vụ việc trên cơ sở tài liệu, chứng cứ, kết quả tranh tụng và căn cứ vào quy định của pháp luật để quyết định các vấn đề của vụ án, vụ việc.

- Tòa án cấp sơ thẩm khi xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

+ Xem xét, thụ lý vụ án, vụ việc; tổ chức phiên tòa, phiên họp xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc;

+ Hướng dẫn, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thu thập, cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ để xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc;

+ Quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, biện pháp khẩn cấp tạm thời;

+ Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, công nhận kết quả đối thoại thành của các đương sự;

+ Quyết định đưa vụ án ra xét xử, tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết vụ án, vụ việc, phục hồi vụ án hình sự, hoãn, tạm ngừng phiên tòa, phiên họp, tiếp tục việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc;

+ Yêu cầu Điều tra viên, Kiểm sát viên, những người khác trình bày về các vấn đề có liên quan đến vụ án hình sự tại phiên tòa;

+ Xem xét, kết luận về tính hợp pháp của quyết định, hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trong quá trình xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc;

+ Xem xét, kết luận về tính hợp pháp của tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức, cá nhân thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án;

+ Trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung;

+ Phát hiện, kiến nghị về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc;

+ Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc;

+ Ban hành bản án, quyết định;

+ Giải quyết yêu cầu, đề nghị, kiến nghị, khiếu nại về quyết định, hành vi tố tụng;

+ Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Quy định chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm

- Tòa án bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm.

Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật. Bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn luật định có hiệu lực pháp luật.

Bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án, vụ việc phải được xét xử, giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

- Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của luật được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

(Điều 9 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024)

Lê Nguyễn Anh Hào

0 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;