Có phải sẽ nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung về phạm vi, quy mô, tính chất của khu kinh tế Phú Quốc trong thời kỳ 2021 – 2030?
Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung về phạm vi, quy mô khu kinh tế Phú Quốc (Hình từ internet)
Nội dung đề cập tại Quyết định 1289/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Cụ thể, đối với phương án phát triển khu kinh tế Phú Quốc: Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung về phạm vi, quy mô, tính chất để phát huy tổng hợp các tiềm năng của khu kinh tế ven biển và vị thế đặc biệt của đảo Phú Quốc; thúc đẩy kết nối hiệu quả, bền vững với các địa phương trên đất liền; đóng góp quan trọng vào các mục tiêu, tầm nhìn phát triển của thành phố Phú Quốc nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung.
Diện tích dự kiến: 58.923 (ha)
Khu kinh tế Phú Quốc Được thành lập theo Quyết định 31/2013/QĐ-TTg ngày 22/05/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Khu kinh tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là khu kinh tế ven biển.
Tại thời điểm thành lập ranh giới bao gồm toàn bộ huyện đảo Phú Quốc với các đô thị: Thị trấn Dương Đông, thị trấn An Thới và 8 xã: Cửa Cạn, Gành Dầu, Bãi Thơm, Hàm Ninh, Cửa Dương, Dương Tơ, Thổ Châu và xã Hòn Thơm (gồm toàn bộ cụm đảo phía Nam An Thới). Diện tích tự nhiên của Khu kinh tế Phú Quốc là 58.923 ha. (Hiện nay là thành phố Phú Quốc)
Khu kinh tế Phú Quốc được tổ chức thành khu phi thuế quan và khu thuế quan. Khu phi thuế quan là khu vực được xác định gắn với cảng An Thới và sân bay Phú Quốc và khu thuế quan là khu vực còn lại gồm các khu chức năng: Khu du lịch, dịch vụ, khu cảng và dịch vụ hậu cần cảng, khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư, khu hành chính và các khu chức năng khác.
Quy mô, vị trí từng khu vực được xác định tại Quyết định 1197/QĐ-TTg năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và Quyết định 633/QĐ-TTg năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung đảo Phú Quốc đến năm 2030.
Ngày 09/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV đã thông qua Nghị quyết 1109/NQ-UBTVQH14 thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Theo đó, chính thức thành lập thành phố Phú Quốc trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số 179.480 người của huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Thành phố Phú Quốc giáp thành phố Hà Tiên, huyện Kiên Lương; vịnh Thái Lan và Campuchia. - Thành lập các phường thuộc thành phố Phú Quốc, cụ thể: + Thành lập phường Dương Đông (giáp xã Cửa Dương, xã Dương Tơ và vịnh Thái Lan) trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số 60.415 người của thị trấn Dương Đông. + Thành lập phường An Thới (giáp xã Dương Tơ và vịnh Thái Lan) trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số 4.610 người của xã Hòn Thơm và toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số 37.485 người của thị trấn An Thới. - Sau khi thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc: + Thành phố Phú Quốc có 09 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 02 phường: An Thới, Dương Đông và 07 xã: Bãi Thơm, Cửa Cạn, Cửa Dương, Dương Tơ, Gành Dầu, Hàm Ninh, Thổ Châu; + Tỉnh Kiên Giang có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 huyện và 03 thành phố; 144 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 116 xã, 18 phường, 10 thị trấn. - Bên cạnh đó, thành lập TAND, VKSND thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang trên cơ sở kế thừa TAND, VKSND huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. |
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |