Hướng dẫn xây dựng chỉ số tiêu chí rủi ro trong quản lý thuế

Hướng dẫn xây dựng chỉ số tiêu chí rủi ro trong quản lý thuế
Võ Ngọc Nhi

Xin hỏi là đối với chỉ số tiêu chí rủi ro trong quản lý thuế thì việc hướng dẫn xây dựng chỉ số tiêu chí quy định thế nào? - Văn Tuấn (TPHCM)

Hướng dẫn xây dựng chỉ số tiêu chí rủi ro trong quản lý thuế

Hướng dẫn xây dựng chỉ số tiêu chí rủi ro trong quản lý thuế (Hình từ Internet)

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành Quyết định 18/QĐ-TCT ngày 12/01/2023 về Quy trình áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế

1. Hướng dẫn xây dựng chỉ số tiêu chí rủi ro trong quản lý thuế

Tại Điều 7 Quyết định 18/QĐ-TCT năm 2023 quy định về việc xây dựng bộ chỉ số tiêu chí như sau:

Bước 1: Xác định mục tiêu, yêu cầu để xây dựng, thiết lập bộ chỉ số tiêu chí

- Xây dựng, thiết lập bộ chỉ số tiêu chí theo kế hoạch:

+ Vào quý IV hàng năm, Ban Quản lý rủi ro lập kế hoạch xây dựng, sửa đổi, bổ sung bộ chỉ số tiêu chí trên cơ sở báo cáo đánh giá thực hiện áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế, báo cáo đánh giá việc thực hiện kế hoạch nâng cao tuân thủ và theo đề nghị của các đơn vị nhằm đáp ứng theo yêu cầu quản lý thuế.

+ Thông báo kế hoạch xây dựng, sửa đổi, bổ sung bộ chỉ số tiêu chí tới các đơn vị chuyên môn đề nghị tham gia ý kiến làm cơ sở báo cáo Tổng cục Thuế phê duyệt kế hoạch và phân công thực hiện.

- Xây dựng, thiết lập bộ chỉ số tiêu chí theo thời điểm:

+ Việc xây dựng, thiết lập bộ chỉ số tiêu chí theo thời điểm nhằm phân tích kịp thời các dấu hiệu rủi ro, cảnh báo rủi ro cho công tác quản lý thuế do các Vụ/Đơn vị, Cục Thuế đề xuất.

+ Ban Quản lý rủi ro tiếp nhận thông tin, dấu hiệu rủi ro, kế hoạch kiểm soát rủi ro, danh sách người nộp thuế rủi ro (nếu có) có tính ưu tiên cao do các Vụ/đơn vị, Cục Thuế đề xuất.

Trường hợp cần thiết phải đưa vào áp dụng ngay để hạn chế rủi ro cao, Ban Quản lý rủi ro trình Tổng cục Thuế chủ trương điều chỉnh bộ chỉ số tiêu chí ngoài kế hoạch.

Bước 2: Xây dựng bộ chỉ số tiêu chí

Trên cơ sở kế hoạch xây dựng, chủ trương điều chỉnh, bổ sung bộ chỉ số tiêu chí được phê duyệt, Ban Quản lý rủi ro thực hiện:

- Xây dựng dự thảo khung bộ chỉ số tiêu chỉ đưa vào ứng dụng phân tích dữ liệu và quản lý rủi ro hoặc đề nghị Cục Công nghệ thông tin phối hợp cung cấp dữ liệu để phân tích mức độ trọng yếu của chỉ số tiêu chí, đưa ra mức độ rủi ro của mỗi chỉ số tiêu chí.

- Lấy ý kiến tham gia của các Vụ Đơn vị, Cục Thuế về nội dung, mức độ rủi ro và tính trọng yếu của bộ chỉ số tiêu chí.

- Tổng hợp, trình Tổng cục ban hành bộ chỉ số tiêu chí theo quy định.

Bước 3: Ứng dụng bộ chỉ số tiêu chí trên ứng dụng phân tích dữ liệu và quản lý rủi ro.

- Ban Quản lý rủi ro phối hợp với Cục Công nghệ thông tin thực hiện thiết lập bộ chỉ số tiêu chí trên ứng dụng phân tích dữ liệu và quản lý rủi ro.

- Trong quá trình áp dụng bộ chỉ số tiêu chí, trường hợp cần điều chỉnh điểm, trọng số chỉ số tiêu chí để phù hợp với yêu cầu quản lý, bám sát theo từng thời điểm, Ban Quản lý rủi ro tổng hợp ý kiến đề xuất, trình Tổng cục Thuế phê duyệt và phối hợp với Cục Công nghệ thông tin thiết lập trên ứng dụng phân tích dữ liệu và quản lý rủi ro để đánh giá rủi ro, phân loại người nộp thuế.

2. Phân đoạn người nộp thuế 

Tại Điều 6 Quyết định 18/QĐ-TCT năm 2023 quy định về phân đoạn người nộp thuế như sau:

Trước khi thực hiện xây dựng bộ chỉ số tiêu chí, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế, phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế và áp dụng các biện pháp quản lý thuế, cơ quan thuế thực hiện phân đoạn người nộp thuế.

- Các phương án phân đoạn người nộp thuế.

+ Phân đoạn theo đối tượng: người nộp thuế là cá nhân; người nộp thuế là doanh nghiệp; người nộp thuế là tổ chức khác.

+ Phân đoạn theo quy mô người nộp thuế (lớn, vừa, nhỏ) được xác định bằng: doanh thu hoặc tổng thu nhập; quy mô vốn, tài sản; số tiền nộp

ngân sách nhà nước; lợi nhuận kế toán trước thuế; số lượng người lao động tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể từng thời kỳ, địa bàn hoạt động.

+ Phân đoạn theo ngành kinh tế ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ hoặc theo quy định hiện hành.

+ Phân đoạn theo loại hình doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp.

+ Phân đoạn theo địa bàn hoạt động sản xuất kinh doanh (theo phân cấp hành chính).

+ Phân đoạn theo khu vực kinh tế: khu vực kinh tế có vốn nhà nước, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh (tư nhân).

+ Phân đoạn theo tiêu chí khác phù hợp với yêu cầu của công tác quản lý thuế.

- Thực hiện phân đoạn người nộp thuế.

Ban Quản lý rủi ro đề xuất trình Tổng cục Thuế phương án phân đoạn người nộp thuế phù hợp với việc đánh giá tuân thủ pháp luật thuế, phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế, xây dựng kế hoạch nâng cao tuân thủ pháp luật thuế.

Cơ quan thuế các cấp sử dụng phân đoạn người nộp thuế trong việc thực hiện các biện pháp xử lý đối với các mức độ tuân thủ pháp luật thuế, mức độ rủi ro người nộp thuế.

Cục Công nghệ thông tin phối hợp với Ban Quản lý rủi ro thực hiện thiết lập, cập nhật phương án nhóm phân đoạn người nộp thuế trên ứng dụng phân tích dữ liệu và quản lý rủi ro.

Xem chi tiết tại Quyết định 18/QĐ-TCT có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

2063 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;