Hướng dẫn thực hành quyền công tố trong giải quyết vụ án xâm phạm trật tự xã hội dùng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao

Hướng dẫn thực hành quyền công tố trong giải quyết vụ án xâm phạm trật tự xã hội dùng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao
Tran Thanh Rin

Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có hướng dẫn thực hành quyền công tố trong giải quyết vụ án xâm phạm trật tự xã hội dùng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao.

Hướng dẫn thực hành quyền công tố trong giải quyết vụ án xâm phạm trật tự xã hội dùng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao

Hướng dẫn thực hành quyền công tố trong giải quyết vụ án xâm phạm trật tự xã hội dùng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao (Hình từ Internet)

Ngày 12/9/2024, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Hướng dẫn 18/HD-VKSTC về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ việc, vụ án xâm phạm trật tự xã hội dùng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao, phạm tội có tổ chức, xuyên quốc gia.

Hướng dẫn thực hành quyền công tố trong giải quyết vụ án xâm phạm trật tự xã hội dùng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao

Cụ thể, để nâng cao hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ việc, vụ án xâm phạm trật tự xã hội dùng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao trong giai đoạn mới, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có một số hướng dẫn như sau:

(1) Trong giai đoạn khởi tố, điều tra

- Tiếp cận nguồn tin sớm, bảo đảm tính khách quan trong mọi hoạt động thu thập chứng cứ của Cơ quan điều tra. Nghiên cứu kĩ các tài liệu ban đầu, chủ động nắm bắt phương thức, thủ đoạn phạm tội để kịp thời đề ra yêu cầu xác minh, tập trung làm rõ đặc điểm hình thành, vận hành và tồn tại của dữ liệu điện tử; tập trung phối hợp với cơ quan điều tra truy nguyên dòng tiền được chuyển từ tài khoản của người bị hại; phối hợp bắt giữ đối tượng, khai thác lời khai ban đầu để làm rõ phương thức phạm tội, xác định số lượng người phạm tội.

- Kiểm sát chặt chẽ việc thu giữ phương tiện, dữ liệu điện tử, bảo đảm tính nguyên vẹn của các thiết bị điện tử và dữ liệu điện tử, phải kiểm sát chặt chẽ việc ghi nhận, thu giữ, niêm phong, bảo quản, mở niêm phong các phương tiện điện tử.

Lưu ý yêu cầu thu giữ các phương tiện được ngụy trang (như USB dưới dạng của một chiếc móc chìa khoá hoặc đồ chơi...); yêu cầu ngay lập tức ngắt kết nối mạng của thiết bị chứa dữ liệu điện tử để tránh bị xoá dữ liệu từ xa đồng thời không được tắt (shutdown) theo trình tự mà ngắt nguồn cung cấp điện trực tiếp cho thân máy (CPU) hoặc máy tính (đối với máy tính xách tay).

- Yêu cầu Cơ quan điều tra nhanh chóng thực hiện sao chép dữ liệu, lưu ý các dữ liệu được lưu trữ trên nền tảng mạng internet, cần nhanh chóng truy cập để khai thác tài khoản quản lý (admin) và tải dữ liệu vào thiết bị chống ghi (read only) nhằm bảo đảm tính nguyên trạng và toàn vẹn của dữ liệu điện tử. Sau khi sao lưu cần in các tài liệu đã trích xuất, việc thu thập dữ liệu phải có người chứng kiến, lập biên bản và xác nhận của những người liên quan.

- Kiểm sát chặt chẽ quyết định trưng cầu giám định và kết luận giám định. Phối hợp với CQĐT đưa ra yêu cầu giám định về các nội dung, đồ vật, chứng cứ cụ thể liên quan đến hành vi phạm tội để tổ chức giám định tập trung ưu tiên trích xuất, lọc, kết luận nhằm tránh phải kéo dài thời gian chờ kết luận giám định.

Trường hợp nếu việc giám định dữ liệu chuyên sâu để phát hiện các phần mềm, dữ liệu đã được ẩn, mã hoá gây tốn kém thời gian ảnh hưởng đến tiến độ xét phê chuẩn khởi tố bị can và thời hạn điều tra thì Viện kiểm sát cần phối hợp với Cơ quan điều tra trích xuất nóng nội dung từ các thiết bị (nhất là đối với các dữ liệu đơn giản như lịch sử chuyển khoản tiền, tiền mã hoá, nội dung tin nhắn qua mạng xã hội như Facebook, Messenger, WhatsApp...) rồi in ra cho các đối tượng ký xác nhận để làm căn cứ xét phê chuẩn khởi tố bị can.

- Kiểm sát chặt chẽ việc lấy lời khai của đối tượng tình nghi, tập trung xác định địa điểm, thời gian thực hiện tội phạm, loại thiết bị, phần mềm đã sử dụng có phù hợp với địa chỉ IP và các thông tin trong thiết bị đã được thu giữ không.

- Thận trọng trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với các đối tượng ở ngoài phạm tội; kiểm sát chặt chẽ việc xác minh, phong tỏa các tài khoản đã nhận tiền từ tài khoản của bị hại để ngăn chặn tài sản bị chuyển dịch; kiểm sát chặt chẽ việc kê biên tài sản, làm rõ nơi cất giấu, tẩu tán tài sản, đặc biệt các trường hợp tài sản phạm tội ở nước ngoài để thực hiện tương trợ tư pháp.

- Đối với vụ việc, vụ án phải tạm đình chỉ do chưa xác định được đối tượng, bị can cần phối hợp với Cơ quan điều tra thường xuyên rà soát, quản lý chặt chẽ tránh thất lạc, mất mát hồ sơ và đồ vật, tài sản, vật chứng, khi phát hiện thông tin, tài liệu, tình tiết mới cần khẩn trương xác định rõ đối tượng để truy bắt, xử lý, kịp thời phục hồi điều tra để điều tra và xử lý theo pháp luật.

(2) Trong giai đoạn truy tố vụ án:

- Kiểm sát viên phải phúc tra lại các chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án, đánh giá chính xác, khách quan cả chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội.

- Trường hợp cần thiết để đánh giá tính khách quan đối với các chứng cứ do Cơ quan điều tra đã thu thập trong giai đoạn điều tra vụ án, Kiểm sát viên có thể trực tiếp hỏi cung bị can, ghi lời khai người làm chứng, người bị hại, trực tiếp xem xét các dấu vết, vật chứng trước khi truy tố vụ án.

- Đối với các vụ án có nhiều bị can và chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại, lưu ý quan tâm đánh giá toàn diện đầy đủ các chứng cứ buộc tội, gỡ tội tránh để oan sai, bỏ lọt tội phạm; xác định rõ vai trò, vị trí của các bị can và tính chất mức độ hành vi phạm tội gây ra khi hoàn thành cáo trạng truy tố đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

(3) Trong giai đoạn xét xử vụ án:

- Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp đẩy nhanh tiến độ giải quyết án; chủ động kiểm tra, thống kê lại các chứng cứ đã thu thập, đặc biệt là các chứng cứ điện tử; chuẩn bị đề cương xét hỏi, dự thảo luận tội, dự kiến các tình huống có thể xảy ra khi tranh luận, đối đáp với luật sư, người bào chữa để phục vụ hoạt động công tố tại phiên toà.

- Tại phiên toà Kiểm sát viên phải chủ động tham gia xét hỏi, quan tâm làm rõ các chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội; sử dụng các chứng cứ trực tiếp, các chứng cứ điện tử đã thu giữ để đấu tranh với bị cáo chối tội; phải tranh luận đến cùng với các ý kiến của các luật sư.

Lưu ý trong các vụ án liên quan đến công nghệ cao hầu hết các bị hại ở địa phương khác có thể vắng mặt tại phiên tòa. Vì vậy, cần phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra trong hoạt động ủy thác điều tra để việc vắng mặt của họ không ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án.

Xem chi tiết tại Hướng dẫn 18/HD-VKSTC ngày 12/9/2024.

0 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;