Hướng dẫn thu thập và quản lý bằng chứng thực hiện kiến nghị kiểm toán

Xin cho tôi hỏi Tổng Kiểm toán Nhà nước hướng dẫn thu thập và quản lý bằng chứng thực hiện kiến nghị kiểm toán như thế nào? - Minh Hân (Bình Dương)

Hướng dẫn thu thập và quản lý bằng chứng thực hiện kiến nghị kiểm toán (Hình từ internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

Ngày 15/02/2024, Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành Quyết định 420/QĐ-KTNN hướng dẫn bằng chứng thực hiện kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

1. Bằng chứng thực hiện kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước

Theo Điều 5 Quyết định 420/QĐ-KTNN năm 2024 bằng chứng thực hiện kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước như sau:

1.1 Kiến nghị điều chỉnh sổ kế toán, báo cáo quyết toán, báo cáo tài chính, thông tin tài chính

- Kiến nghị điều chỉnh sổ kế toán, báo cáo quyết toán (BCQT), báo cáo tài chính (BCTC), thông tin tài chính là các kiến nghị với đơn vị được kiểm toán thực hiện hoặc chỉ đạo đơn vị trực thuộc và các bộ phận có liên quan điều chỉnh sổ kế toán, số liệu, thông tin tài chính, BCQT, BCTC theo kiến nghị kiểm toán của KTNN.

- Bằng chứng thực hiện kiến nghị kiểm toán: Gồm các chứng từ, tài liệu liên quan đến hạch toán điều chỉnh, thông tin tài chính, sổ kế toán hoặc BCQT, BCTC sau khi điều chỉnh theo kiến nghị kiểm toán của KTNN. Trường hợp BCQT, BCTC sau điều chỉnh của đơn vị bao gồm các nội dung điều chỉnh khác theo kết luận của nhiều cơ quan khác nhau thì chỉ rà soát, đối chiếu, kiểm tra, xác nhận đối với việc thực hiện điều chỉnh theo các kiến nghị kiểm toán của KTNN.

1.2 Kiến nghị xử lý tài chính khác

- Kiến nghị xử lý tài chính khác chủ yếu là các khoản kiến nghị liên quan đến các khoản thu hồi, nộp khác, các khoản giảm chi ngân sách nhà nước (NSNN) như: hủy dự toán, thu hồi, nộp khác về NSNN, nộp các khoản phải nộp... (không bao gồm các khoản kiến nghị kiểm toán đã được trích theo quy định tại Thông tư 16/2019/TT-BTC).

- Bằng chứng thực hiện kiến nghị kiểm toán: Gồm các hồ sơ, tài liệu, thông tin thu thập được liên quan đến đơn vị được kiểm toán đã thực hiện nghĩa vụ với NSNN hoặc đã thực hiện nghĩa vụ với cơ quan quản lý cấp trên để nộp NSNN; các văn bản đã thực hiện giảm chi của cơ quan có thẩm quyền theo kiến nghị kiểm toán của KTNN.

1.3 Kiến nghị khác

- Các kiến nghị kiểm toán khác của KTNN gồm các hạn chế, sai sót khác về số liệu ngoài các kiến nghị xử lý tài chính, xử lý tài chính khác mà KTNN kiến nghị cần rà soát, cần hoàn thiện, thanh tra, kiểm tra, điều tra.

- Bằng chứng thực hiện kiến nghị kiểm toán: Gồm các hồ sơ, tài liệu, thông tin thu thập như chứng từ kế toán, quyết định của cấp có thẩm quyền thực hiện theo nội dung kiến nghị của KTNN... hoặc bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, tài liệu khắc phục các hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý, thanh quyết toán kinh phí hoặc hồ sơ, tài liệu về thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, điều tra theo kiến nghị kiểm toán.

1.4 Kiến nghị chấn chỉnh, rút kinh nghiệm

- Các kiến nghị chấn chỉnh, rút kinh nghiệm của KTNN liên quan đến hạn chế, sai sót đã được KTNN chỉ rõ và kiến nghị đơn vị được kiểm toán chấn chỉnh, rút kinh nghiệm để khắc phục.

- Bằng chứng thực hiện kiến nghị kiểm toán: Gồm các tài liệu, thông tin thu thập được thể hiện việc chỉ đạo, thực hiện chấn chỉnh, rút kinh nghiệm hoặc kết quả rà soát, xử lý, khắc phục của đơn vị được kiểm toán đối với các nội dung hạn chế, sai sót đã được KTNN kiến nghị.

1.6 Kiến nghị về hoàn thiện cơ chế, chính sách

- Kiến nghị về hoàn thiện cơ chế, chính sách là các kiến nghị với đơn vị được kiểm toán chủ trì thực hiện hoặc phối hợp, tham mưu với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét nghiên cứu bổ sung, sửa đổi, hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý (điều, khoản...) còn chưa phù hợp, chồng chéo, mâu thuẫn với quy định pháp luật hiện hành hoặc không đúng thẩm quyền...

- Bằng chứng thực hiện kiến nghị kiểm toán: Gồm các hồ sơ, tài liệu, thông tin thu thập được về kết quả chủ trì hoặc phối hợp, tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách theo kiến nghị của KTNN.

1.6 Kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân

- Các kiến nghị của KTNN về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân và xem xét xử lý theo quy định pháp luật là các kiến nghị đối với đơn vị được kiểm toán thực hiện hoặc cơ quan quản lý cấp trên chỉ đạo đơn vị trực thuộc, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến các tồn tại, hạn chế, sai phạm đến mức phải kiểm điểm đã được KTNN kiến nghị.

Bằng chứng thực hiện kiến nghị kiểm toán: Gồm các hồ sơ, tài liệu, thông tin thu thập được liên quan đến việc chỉ đạo và kết quả việc kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân được cấp có thẩm quyền xử lý theo các quy định hiện hành.

(Một số hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục I, Phụ lục II kèm theo Quyết định 420/QĐ-KTNN năm 2024).

2. Phương pháp thu thập bằng chứng thực hiện kiến nghị kiểm toán

Phương pháp thu thập bằng chứng thực hiện kiến nghị kiểm toán vận dụng các phương pháp kiểm tra theo Quy định theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; các phương pháp, thủ tục kiểm toán nhằm thu thập bằng chứng kiểm toán theo Chuẩn mực KTNN và các quy định liên quan của KTNN, như: Phân tích, tổng hợp, đối chiếu, phỏng vấn…

Việc sử dụng phương pháp thu thập bằng chứng thực hiện kiến nghị kiểm toán dựa trên xét đoán chuyên môn của kiểm toán viên nhà nước và nội dung kiến nghị kiểm toán.

(Điều 6 Quyết định 420/QĐ-KTNN năm 2024)

Nguyễn Ngọc Quế Anh

370 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;