Hướng dẫn nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm hỗ trợ ổn định đời sống sau bão Yagi

Hướng dẫn nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm hỗ trợ ổn định đời sống sau bão Yagi
Quoc Tuan

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp nội dung hướng dẫn nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm hỗ trợ ổn định đời sống sau bão Yagi

Hướng dẫn nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm hỗ trợ ổn định đời sống sau bão Yagi

Hướng dẫn nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm hỗ trợ ổn định đời sống sau bão Yagi (Hình từ internet)

Ngày 09/10/2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Công văn 4874/BLĐTBXH-CBTXH về việc thực hiện mục tiêu, nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm về hỗ trợ khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội để ổn định đời sống Nhân dân tại Nghị quyết 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ.

Hướng dẫn nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm hỗ trợ ổn định đời sống sau bão Yagi

- Rà soát, tổng hợp, khẩn trương hỗ trợ các hộ gia đình bị thiệt hại, bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các hộ dân, các gia đình có nguy cơ bị thiếu đói, các hộ gia đình phải di dời khẩn cấp; hỗ trợ lều bạt, nước uống, thực phẩm, chăn màn và một số mặt hàng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu trước mắt, tại chỗ, nhất là các hộ có nhà bị đổ, sập, trôi, các hộ ở vùng bị ngập sâu, sạt lở, chia cắt, tuyệt đối không được để người dân nào bị thiếu đói, không có chỗ ở hoặc thiếu các vật dụng thiết yếu; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở do bão; huy động các lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa, dựng lại nhà ở, dọn vệ sinh môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ.

- Hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị sập, hư hỏng hoàn toàn cần xây mới, hư hỏng nặng phải sửa chữa và di dời chỗ ở từ nguồn ngân sách nhà nước, Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, Quỹ Vì người nghèo, các nguồn hỗ trợ qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các nguồn xã hội hóa theo quy định tại điểm b mục 2 Phần II của Nghị quyết 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ phù hợp với thực tiễn địa phương theo phương châm “xác định thiệt đến đâu, hỗ trợ kịp thời đến đó”, trong đó:

+ Đối với nguồn ngân sách nhà nước: Tổ chức thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội khẩn cấp cho người dân bị thiệt hại do thiên tai, bảo đảm mức hỗ trợ tối thiểu từ ngân sách nhà nước về chi phí sửa chữa nhà ở bị hư hỏng nặng, bị đổ, sập trôi hoàn toàn và chi phí di dời nhà ở khẩn cấp theo quy định tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, Nghị định 76/2024/NĐ-CP ngày 01/7/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các văn bản pháp luật liên quan khác.

+ Đối với nguồn xã hội hoá: tùy tình hình thực tiễn để xem xét, quyết định mức hỗ trợ phù hợp theo quy định của Nhà tài trợ và cơ quan có thẩm quyền.

- Bảo đảm cung cấp chỗ ở an toàn, chăm sóc y tế, chăm sóc dinh dưỡng, điều trị tâm lý, phục hồi thể chất và hỗ trợ học văn hóa, học nghề theo quy định của pháp luật tại các cơ sở trợ giúp xã hội của địa phương đối với các trường hợp cần trợ giúp khẩn cấp như: trẻ em có cha mẹ bị chết hoặc mất tích, các trường hợp có nhà ở bị đổ, sập, trôi hoàn toàn do lũ mà không còn nơi ở, các trường hợp bị thương nặng do thiên tai, người cao tuổi, người khuyết tật thuộc diện khó khăn không có nguồn nuôi dưỡng ở các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai.

- Đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, việc làm của lao động ở vùng bị ảnh hưởng và cả lao động có quê ở vùng bị ảnh hưởng để có phương án giải quyết, kết nối việc làm cho người lao động, duy trì nguồn cung lao động cho doanh nghiệp. Tăng cường hoạt động kết nối cung - cầu lao động, tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm, đặc biệt triển khai khảo sát trực tiếp nắm nhu cầu lao động của doanh nghiệp và nhu cầu về việc làm của người lao động tại các vùng bị ảnh hưởng. Xây dựng các chương trình hỗ trợ trực tiếp đến người lao động ở vùng bị ảnh hưởng của ccm bão số 3 đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp như hỗ trợ kinh phí đi lại, nhà ở, điện, nước... Tăng cường bổ sung nguồn vốn và nâng cao hiệu quả chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để làm cơ sở phục hồi sản xuất kinh doanh, việc làm cho doanh nghiệp, người lao động.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương báo cáo về tình hình thiệt hại, chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo và đề xuất hỗ trợ từ ngân sách trung ương gửi Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ.

Xem chi tiết nội dung tại Công văn 4874/BLĐTBXH-CBTXH ban hành ngày 09/10/2024.

 

0 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;