Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về quy định hướng dẫn khai thác tài sản công tại cơ quan nhà nước từ 30/10/2024.
Hướng dẫn khai thác tài sản công tại cơ quan nhà nước từ 30/10/2024 (Hình từ internet)
Ngày 15/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 114/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Cụ thể, khoản 7 Điều 1 Nghị định 114/2024/NĐ-CP đã bổ sung thêm Điều 10b vào Nghị định 151/2017/NĐ-CP hướng dẫn khai thác tài sản công tại cơ quan nhà nước từ 30/10/2024 như sau:
(1) Danh mục tài sản công tại cơ quan nhà nước được khai thác gồm:
(i) Nhà ở công vụ.
(ii) Quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền phần mềm ứng dụng.
(iii) Cơ sở dữ liệu.
(iv) Tài sản phục vụ hoạt động phụ trợ, hỗ trợ cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan nhà nước (nhà ăn, căn tin; nhà/bãi để xe; vị trí lắp đặt máy rút tiền tự động, máy bán hàng tự động; vị trí lắp đặt, xây dựng công trình viễn thông; vị trí lắp đặt màn hình led, tấm pano phục vụ thông tin, tuyên truyền).
(v) Tài sản là di tích lịch sử - văn hóa, di tích lịch sử gắn với đất thuộc đất xây dựng trụ sở cơ quan; phòng truyền thống của cơ quan.
(vi) Tài sản khác được khai thác theo quy định của pháp luật có liên quan.
(2) Việc khai thác tài sản công tại cơ quan nhà nước phải bảo đảm các nguyên tắc sau:
- Không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan nhà nước.
- Không vi phạm các điều cấm của luật.
- Bảo đảm tính công khai, minh bạch; tuân thủ các quy định tại Nghị định 151/2017/NĐ-CP và quy định của các pháp luật có liên quan.
- Không làm thay đổi kết cấu, kiến trúc, nguyên trạng tài sản công (trừ trường hợp đầu tư thêm để nâng cao giá trị sử dụng của tài sản; phần giá trị tài sản đầu tư thêm thuộc về cơ quan có tài sản sau khi hết thời hạn khai thác); không làm mất quyền sử dụng đất của cơ quan, quyền sở hữu về tài sản công.
(3) Việc khai thác tài sản quy định tại các điểm (i), (ii), (iii) khoản (1) được thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan.
(4) Việc khai thác tài sản phục vụ hoạt động phụ trợ, hỗ trợ cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan nhà nước quy định tại điểm (iv) khoản (1) nhằm phục vụ cho hoạt động của cơ quan nhà nước và các nhu cầu thiết yếu của cán bộ, công chức, người lao động của cơ quan nhà nước và khách đến công tác. Việc khai thác được quy định như sau:
(i) Hình thức khai thác:
- Cơ quan nhà nước tự quản lý, sử dụng nhà ăn, căn tin, nhà/bãi để xe để cung cấp các dịch vụ phục vụ nhu cầu của cán bộ, công chức, người lao động của cơ quan nhà nước và khách đến công tác.
Giá dịch vụ được thực hiện theo quy định của Nhà nước (đối với các dịch vụ thuộc trường hợp giá sử dụng dịch vụ đó do Nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá) hoặc do Thủ trưởng cơ quan nhà nước quyết định bảo đảm bù đắp đủ chi phí và có tích lũy hợp lý (đối với các dịch vụ không thuộc trường hợp giá sử dụng dịch vụ đó do Nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá);
- Cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện quyền khai thác nhà ăn, căn tin, nhà/bãi để xe để cung cấp các dịch vụ phục vụ nhu cầu của cán bộ, công chức, người lao động của cơ quan nhà nước và khách đến công tác. Việc lựa chọn tổ chức, cá nhân khác thực hiện quyền khai thác nhà ăn, căn tin, nhà/bãi để xe được thực hiện theo các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc đấu giá theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản; việc tổ chức đấu thầu hay đấu giá do Thủ trưởng cơ quan có tài sản quyết định.
Giá cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện quyền khai thác là giá trúng đấu giá hoặc đấu thầu; giá khởi điểm để tổ chức đấu giá, giá gói thầu để tổ chức đấu thầu được xác định theo quy định về xác định giá gói thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu; Thủ trưởng cơ quan nhà nước quyết định giá khởi điểm, giá gói thầu.
Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền khai thác được thu tiền dịch vụ theo mức giá quy định của Nhà nước (đối với các dịch vụ thuộc trường hợp giá sử dụng dịch vụ đó do Nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá) hoặc quyết định mức thu bảo đảm bù đắp đủ chi phí và có tích lũy hợp lý (đối với các dịch vụ không thuộc trường hợp giá sử dụng dịch vụ đó do Nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá);
- Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng vị trí tại trụ sở làm việc để lắp đặt máy rút tiền tự động, máy bán hàng tự động, lắp đặt, xây dựng công trình viễn thông, lắp đặt màn hình led, tấm pano phục vụ thông tin, tuyên truyền kết hợp quảng cáo theo quy định của pháp luật.
Việc cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng vị trí tại trụ sở làm việc để lắp đặt máy rút tiền tự động, lắp đặt, xây dựng công trình viễn thông được thực hiện theo hình thức thỏa thuận trực tiếp với tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
Cơ quan nhà nước chuẩn bị phương án cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng vị trí tại trụ sở làm việc để lắp đặt máy rút tiền tự động, lắp đặt, xây dựng công trình viễn thông gửi tới tổ chức, cá nhân có nhu cầu; trên cơ sở hồ sơ đăng ký của tổ chức, cá nhân có nhu cầu, cơ quan nhà nước thực hiện thương thảo Hợp đồng cho sử dụng vị trí để lắp đặt máy rút tiền tự động, lắp đặt, xây dựng công trình viễn thông và ký kết Hợp đồng làm cơ sở thực hiện. Giá cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng vị trí tại trụ sở làm việc là giá đã thương thảo với tổ chức, cá nhân có nhu cầu và ghi nhận tại Hợp đồng.
Việc lựa chọn tổ chức, cá nhân sử dụng vị trí tại trụ sở làm việc để lắp đặt máy bán hàng tự động, màn hình led, tấm pano phục vụ thông tin, tuyên truyền kết hợp quảng cáo được thực hiện theo quy định tại điểm a2 khoản này.
(ii) Thẩm quyền quyết định khai thác:
- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quy định thẩm quyền quyết định khai thác tài sản công tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương;
- Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định thẩm quyền quyết định khai thác tài sản công tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
(iii) Trình tự, thủ tục khai thác:
- Cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản công lập hồ sơ đề nghị khai thác tài sản công, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) để báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại điểm b khoản này xem xét, quyết định việc khai thác tài sản công. Hồ sơ đề nghị khai thác gồm:
Văn bản đề nghị khai thác tài sản công của cơ quan nhà nước (trong đó nêu rõ sự cần thiết; danh mục tài sản khai thác (chủng loại, số lượng, diện tích, nguyên giá, giá trị còn lại); hình thức khai thác; thời hạn khai thác; dự kiến số tiền thu được (nếu có)): 01 bản chính;
Các hồ sơ khác liên quan đến tài sản đề nghị khai thác: 01 bản sao.
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị khai thác tài sản do cơ quan nhà nước lập, cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định việc khai thác tài sản công hoặc có văn bản hồi đáp trong trường hợp không thống nhất việc khai thác tài sản.
- Nội dung chủ yếu của Quyết định khai thác tài sản công gồm:
+ Tên cơ quan nhà nước được khai thác tài sản;
+ Danh mục tài sản khai thác (chủng loại, số lượng, diện tích, nguyên giá, giá trị còn lại; hình thức khai thác; thời hạn khai thác);
+ Trách nhiệm tổ chức thực hiện.
(iv) Cơ quan nhà nước có trách nhiệm cấp hóa đơn bán hàng cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về hóa đơn, chứng từ.
(v) Số tiền thu được từ khai thác tài sản công, sau khi trừ đi các chi phí trực tiếp có liên quan đến việc tổ chức khai thác tài sản công (chi phí xác định giá, chi phí tổ chức đấu giá, chi phí trong lựa chọn nhà thầu, chi phí điện, nước, xăng dầu, nhân công phục vụ và các chi phí khác có liên quan), thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định của pháp luật (nếu có), cơ quan nhà nước được giữ lại 50% để bổ sung nguồn chi thường xuyên hằng năm sử dụng cho công tác quản lý và các hoạt động khác được quy định cụ thể trong Quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan và được xác định là khoản thu hợp pháp khác của cơ quan;
50% nộp ngân sách nhà nước trung ương (đối với cơ quan nhà nước thuộc trung ương quản lý), nộp ngân sách địa phương (đối với cơ quan nhà nước thuộc địa phương quản lý). Người đứng đầu cơ quan có tài sản khai thác chịu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ việc khai thác và xác định số tiền nộp ngân sách nhà nước.
(5) Việc khai thác tài sản là di tích lịch sử - văn hóa, di tích lịch sử gắn với đất thuộc đất xây dựng trụ sở cơ quan, phòng truyền thống của cơ quan được thực hiện như sau:
- Hình thức khai thác:
Cho tổ chức, cá nhân tham quan di tích lịch sử - văn hóa, di tích lịch sử gắn với đất thuộc đất xây dựng trụ sở cơ quan, phòng truyền thống của cơ quan. Cơ quan nhà nước được thu phí tham quan theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí. Việc quản lý, sử dụng phí thu được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
Sử dụng vị trí tại di tích để bán đồ lưu niệm, trưng bày sản phẩm. Việc sử dụng vị trí tại di tích để bán đồ lưu niệm, trưng bày sản phẩm và việc quản lý, sử dụng số tiền thu được thực hiện theo quy định tại điểm (i), điểm (v) khoản (4).
- Thẩm quyền, trình tự, thủ tục trình cơ quan, người có thẩm quyền quyết định khai thác được thực hiện theo quy định tại điểm (ii), điểm (iii) khoản (4).
Xem thêm tại Nghị định 114/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30/10/2024.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |