Hình thức hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt

Xin cho tôi hỏi hình thức hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt được quy định thế nào? - Hoàng Long (Bình Dương)

Hình thức hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt

Hình thức hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt (Hình từ internet)

Ngày 31/8/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư 16/2023/TT-BCT hướng dẫn về hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt.

1. Hình thức hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt

Cụ thể tại Điều 3 Thông tư 16/2023/TT-BCT quy định hình thức hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt như sau:

- Hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt phải được thể hiện bằng văn bản dưới dạng giấy (hợp đồng này được lập thành 02 bản có giá trị như nhau, mỗi bên giữ 01 bản) hoặc dữ liệu điện tử (đối với dữ liệu điện tử, Bên mua điện có thể tra cứu và tải về tại Cổng thông tin điện tử của Bên bán điện). Ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng là tiếng Việt.

Các bên có thể thỏa thuận sử dụng thêm tiếng dân tộc khác của Việt Nam hoặc tiếng nước ngoài. Trong trường hợp có sự khác biệt giữa bản tiếng Việt với bản tiếng dân tộc khác của Việt Nam hoặc bản tiếng nước ngoài, bản có lợi hơn cho người tiêu dùng được ưu tiên áp dụng.

- Hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt phải thực hiện theo mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 16/2023/TT-BCT

2. Chủ thể ký hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt

Căn cứ theo Điều 14 Thông tư 16/2023/TT-BCT quy định về chủ thể ký hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt như sau:

- Chủ thể ký hợp đồng của Bên mua điện là người đại diện của Bên mua điện phải có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật, có đề nghị mua điện và thông tin về cư trú của hộ gia đình tại địa điểm mua điện hoặc giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quản lý, sử dụng địa điểm mua điện và có hồ sơ đề nghị đăng ký mua điện phục vụ mục đích sinh hoạt của bên mua điện dạng giấy hoặc dữ liệu điện tử bao gồm: Đề nghị mua điện và một trong các giấy tờ, tài liệu sau:

+ Thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Giấy xác nhận thông tin về cư trú, Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của cá nhân đại diện bên mua điện. Tại một địa điểm đăng ký mua điện, bên mua điện là một hộ gia đình thì chỉ được ký 01 Hợp đồng.

+ Trường hợp không sử dụng thông tin về cư trú của hộ gia đình tại địa điểm mua điện, bên mua điện cung cấp bản sao của một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận về quyền sở hữu nhà ở; giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất (trên đất đã có nhà ở); quyết định phân nhà; hợp đồng mua bán nhà; hợp đồng thuê nhà có thời hạn từ 01 năm trở lên hoặc các giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu, quản lý, sử dụng địa điểm mua điện có thời hạn từ 01 năm trở lên để đăng ký mua điện và chỉ được ký 01 Hợp đồng.

- Trường hợp Bên mua điện gồm nhiều hộ sử dụng điện chung ký 01 hợp đồng thì chủ thể ký hợp đồng của Bên mua điện là đại diện số hộ dùng chung ký hợp đồng và có văn bản ủy quyền của các hộ dùng chung khác.

Các hộ dùng chung phải có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật, có đề nghị mua điện và thông tin về cư trú của hộ gia đình tại địa điểm mua điện hoặc giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quản lý, sử dụng địa điểm mua điện. Tại hợp đồng phải ghi rõ số hộ dùng chung (có danh sách kèm theo) và giá bán điện được áp dụng theo quy định về thực hiện giá bán điện do Bộ Công Thương ban hành.

- Trường hợp Bên mua điện là người thuê nhà để ở thì chủ thể ký hợp đồng của Bên mua điện được xác định theo quy định về thực hiện giá bán điện do Bộ Công Thương ban hành.

- Chủ thể ký hợp đồng của Bên bán điện là người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền của Đơn vị bán lẻ điện có lưới điện phân phối đủ khả năng cung cấp điện đáp ứng nhu cầu của Bên mua điện.

3. Các hành vi vi phạm hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt

Theo Điều 13 Nghị định 137/2013/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hợp đồng mua bán điện như sau:

- Các hành vi vi phạm của bên bán điện bao gồm:

+ Trì hoãn việc cấp điện theo hợp đồng mua bán điện đã ký, trừ trường hợp công trình của khách hàng chưa đủ điều kiện vận hành;

+ Không bảo đảm chất lượng, số lượng điện năng, tính ổn định trong cấp điện theo hợp đồng đã ký, trừ trường hợp bất khả kháng;

+ Ghi sai chỉ số công tơ; tính sai tiền điện trong hóa đơn;

+ Trì hoãn hoặc không bồi thường cho bên mua điện về những thiệt hại do lỗi của mình gây ra;

+ Các hành vi khác vi phạm các quy định về mua bán điện.

- Các hành vi vi phạm của bên mua điện bao gồm:

+ Trì hoãn việc thực hiện hợp đồng đã ký;

+ Sử dụng điện sai mục đích ghi trong hợp đồng;

+ Sử dụng quá công suất đã đăng ký trong biểu đồ phụ tải được ghi trong hợp đồng mua bán điện vào giờ cao điểm;

+ Không thanh lý hợp đồng khi không sử dụng điện;

+ Chậm trả tiền điện theo quy định mà không có lý do chính đáng;

+ Trì hoãn hoặc không bồi thường cho bên bán điện về những thiệt hại do lỗi của mình gây ra;

+ Các hành vi khác vi phạm các quy định về mua bán điện.

Xem thêm Thông tư 16/2023/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 16/10/2023. Thông tư 19/2014/TT-BCTThông tư 38/2022/TT-BCT hết hiệu lực từ ngày 16/10/2023.

Hồ Quốc Tuấn

360 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;