Một số vướng mắc về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Bộ Tài chính trả lời thế nào?
Gỡ vướng mắc về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (Hình từ internet)
Nội dung đề cập tại Công văn 11449/BTC-HCSN năm 2023 trả lời vướng mắc của địa phương về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 theo Thông báo 392/TB-VPCP do Bộ Tài chính ban hành.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Thông báo 392/TB-VPCP ngày 24/9/2023 của Văn phòng Chính phủ về sơ kết tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ năm 2021 đến nay và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính trả lời các câu hỏi vướng mắc của các địa phương liên quan đến 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 để các địa phương được biết và triển khai thực hiện.
Trong đó có trả lời vướng mắc về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Cụ thể, nội dung kiến nghị số 7 (tỉnh Gia Lai):
- Nội dung kiến nghị thứ nhất: Đề nghị bổ sung hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ thanh quyết toán đối với các mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho các địa phương để triển khai thực hiện;
- Nội dung kiến nghị thứ hai: Đề nghị bổ sung nội dung chi trả cho cộng tác viên dinh dưỡng tại CTMTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Với nội dung kiến nghị trên, Bộ Tài chính trả lời như sau:
Tại khoản 5 Điều 3 Thông tư 55/2023/TT-BTC quy định việc kiểm soát chi, tạm ứng, thanh toán kinh phí:
“Việc kiểm soát chi, tạm ứng, thanh toán kinh phí thực hiện theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước; Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 22 tháng 6 năm 2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.”
Do đó, đề nghị địa phương căn cứ quy định tại Nghị định 11/2020/NĐ-CP và Thông tư 62/2020/TT-BTC để thực hiện thanh quyết toán đối với các mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.
Với nội dung kiến nghị thứ hai: Tại Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình[6] không quy định nội dung chi trả cho cộng tác viên dinh dưỡng tại Dự án 7. Do đó, Bộ Tài chính không có cơ sở quy định nội dung này tại Thông tư 55/2023/TT-BTC.
Ngoài ra, Bộ Y tế là cơ quan chủ trì hướng dẫn tổ chức thực hiện Dự án 7. Vì vậy, trường hợp còn vướng mắc, đề nghị Tỉnh gửi kiến nghị nêu trên đến Bộ Y tế để được hướng dẫn theo đúng thẩm quyền.
Nội dung kiến nghị số 7 (tỉnh Hà Tĩnh): Đề nghị kịp thời sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.
Bộ Tài chính trả lời như sau:
Ngày 18/8/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 56/2023/TT-BTC quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở thay thế Thông tư liên tịch 14/2014/TTLT-BTC-BTP. Thông tư 56/2023/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 06/10/2023.
Theo đó, Bộ Tài chính xin cung cấp thông tin để địa phương biết và tổ chức triển khai thực hiện theo quy định.
Xem thêm nội dung trả lời tại Công văn 11449/BTC-HCSN năm 2023.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |