Điều kiện cấp giấy phép lái tàu trên đường sắt

Xin cho tôi hỏi điều kiện để được cấp giấy phép lái tàu trên đường sắt được quy định như thế nào? - Minh Nhật (Bình Dương)

Điều kiện cấp giấy phép lái tàu trên đường sắt

Điều kiện cấp giấy phép lái tàu trên đường sắt (Hình từ internet)

Ngày 30/6/2023, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 15/2023/TT-BGTVT quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn đối với chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; nội dung, chương trình đào tạo đối với cơ sở đào tạo các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; điều kiện, nội dung, quy trình sát hạch và cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lái tàu trên đường sắt.

1. Điều kiện cấp giấy phép lái tàu trên đường sắt

Cụ thể tại Điều 28 Thông tư 15/2023/TT-BGTVT quy định người được cấp giấy phép lái tàu trên đường sắt phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Đối với lái tàu trên các tuyến đường sắt đang khai thác

+ Có độ tuổi theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 36 Luật Đường sắt; có đủ sức khỏe để lái các loại phương tiện giao thông đường sắt theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;

+ Có bằng hoặc chứng chỉ trình độ sơ cấp trở lên về lái phương tiện giao thông đường sắt phù hợp với loại phương tiện dự sát hạch do cơ sở đào tạo cấp;

+ Phải có thời gian làm phụ lái tàu an toàn liên tục 24 tháng trở lên đối với loại giấy phép lái tàu quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 27 Thông tư 15/2023/TT-BGTVT; 12 tháng trở lên đối với loại giấy phép lái tàu quy định tại điểm d khoản 1 Điều 27 Thông tư 15/2023/TT-BGTVT;

+ Đã qua kỳ sát hạch và được hội đồng sát hạch cấp giấy phép lái tàu (sau đây gọi là hội đồng sát hạch) đánh giá đạt yêu cầu theo quy định tại Thông tư 15/2023/TT-BGTVT.

- Đối với lái tàu đầu tiên trên tuyến đường sắt đô thị mới đưa vào khai thác, vận hành có công nghệ lần đầu sử dụng tại Việt Nam

+ Có độ tuổi theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 36 Luật Đường sắt; có đủ sức khỏe để lái các loại phương tiện giao thông đường sắt theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;

+ Có bằng hoặc chứng chỉ trình độ sơ cấp trở lên về lái phương tiện giao thông đường sắt phù hợp với loại phương tiện dự sát hạch do cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp; hoặc bằng hoặc chứng chỉ lái phương tiện giao thông đường sắt phù hợp với loại phương tiện dự sát hạch do tổ chức nước ngoài cấp qua quá trình đào tạo, chuyển giao công nghệ của dự án;

+ Đủ điều kiện sát hạch và được hội đồng sát hạch đánh giá đạt yêu cầu theo quy định tại Thông tư 15/2023/TT-BGTVT

2. Cơ quan cấp giấy phép lái tàu trên đường sắt

Căn cứ theo Điều 29 Thông tư 15/2023/TT-BGTVT quy định cơ quan cấp giấy phép lái tàu trên đường sắt như sau:

- Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức sát hạch, cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lái tàu trên đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng, trừ quy định tại khoản 2 Điều 29 Thông tư 15/2023/TT-BGTVT.

- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 15/2023/TT-BGTVT (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tổ chức sát hạch, cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lái tàu trên đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng theo quy định tại Thông tư 15/2023/TT-BGTVT.

Theo đó, Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 15/2023/TT-BGTVT quy định danh sách Ủy Ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được phân cấp tổ chức sát hạch, cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lái tàu trên đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng kể từ ngày 01/01/2025 như sau:

TT

Tên Ủy Ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1

Ủy Ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh

2

Ủy Ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên

3

Ủy Ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh

3. Quy định về giấy phép lái tàu trên đường sắt

Theo Điều 27 Thông tư 15/2023/TT-BGTVT quy định về giấy phép lái tàu trên đường sắt như sau:

- Giấy phép lái tàu trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng bao gồm các loại sau:

+ Giấy phép lái đầu máy diesel (dùng cho cả lái toa xe động lực diesel);

+ Giấy phép lái đầu máy điện (dùng cho cả lái toa xe động lực chạy điện);

+ Giấy phép lái đầu máy hơi nước;

+ Giấy phép lái phương tiện chuyên dùng.

- Giấy phép lái tàu trên đường sắt đô thị bao gồm:

+ Giấy phép lái tàu điện (dùng cho cả lái đầu máy điện);

+ Giấy phép lái đầu máy diesel;

+ Giấy phép lái phương tiện chuyên dùng;

+ Giấy phép lái tàu nêu tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 27 Thông tư 15/2023/TT-BGTVT cấp cho lái tàu là người nước ngoài.

- Giấy phép lái tàu có thời hạn là 10 năm kể từ ngày cấp. Mẫu giấy phép lái tàu được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 15/2023/TT-BGTVT.

Phụ lục II

- Sử dụng giấy phép lái tàu

+ Nhân viên lái tàu chỉ được lái loại phương tiện giao thông đường sắt đã quy định trong giấy phép lái tàu và phải mang theo giấy phép khi lái tàu;

+ Nhân viên lái tàu trên đường sắt quốc gia được phép lái phương tiện tương ứng trên đường sắt chuyên dùng. Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt chuyên dùng có trách nhiệm thực hiện việc đào tạo, kiểm tra nghiệp vụ đối với những lái tàu này

+ Nhân viên lái tàu không lái tàu theo giấy phép từ 12 tháng trở lên thì giấy phép đó không còn giá trị, nếu muốn đảm nhiệm lại chức danh này thì phải thực hiện thủ tục theo quy định tại Điều 30, Điều 32 Thông tư 15/2023/TT-BGTVT.

Xem thêm Thông tư 15/2023/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/9/2023. Các văn bản hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư 15/2023/TT-BGTVT có hiệu lực bao gồm:

+ Thông tư 33/2018/TT-BGTVT

+ Thông tư 07/2020/TT-BGTVT

+ Điều 3 Thông tư 24/2020/TT-BGTVT

+ Thông tư 05/2021/TT-BGTVT

+ Thông tư 25/2021/TT-BGTVT

Hồ Quốc Tuấn

360 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;