Quy định về số lượng cấp phó trong các cơ quan như chi cục, vụ, cục,… được đề xuất sửa đổi như thế nào? – Hồng Hạnh (Tây Ninh).
Đề xuất sửa quy định về số lượng cấp phó trong một số cơ quan (Hình từ internet)
Nội dung được đề cập tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 101/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 123/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Cụ thể, nội dung được đề xuất sửa đổi như sau:
- Sửa đổi, bổ sung khoản 7 về số lượng cấp phó của người đứng đầu chi cục thuộc cục thuộc bộ; chi cục thuộc cục thuộc tổng cục thuộc bộ.
+ Đánh giá khó khăn, bất cập:
Một số chi cục tổ chức và hoạt động có tính chất đặc thù: (1) Giải quyết thủ tục hành chính 24/24h; (2) Được giao quản lý theo khu vực, liên vùng; (3) Có quy mô lớn, tổ chức trực thuộc nhiều, có trên 11 tổ chức ... thì quy định chỉ được bố trí tối đa không quá 02 cấp phó sẽ khó đáp ứng được yêu cầu công việc.
+ Đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 1 (bổ sung điểm c khoản 2 Điều 18b) như sau:
“Điều 18b. Tiêu chí thành lập chi cục và tương đương (sau đây gọi chung là chi cục), số lượng cấp phó của người đứng đầu chi cục
2. Về số lượng cấp phó của người đứng đầu chi cục thuộc cục thuộc bộ:
a) Chi cục có từ 01 đến 03 phòng được bố trí 01 cấp phó; có từ 04 phòng trở lên được bố trí không quá 02 cấp phó;
b) Chi cục không có phòng được bố trí không quá 02 cấp phó;
c) Chi cục được bố trí không quá 03 cấp phó khi đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:
- Có từ 11 tổ chức trực thuộc trở lên;
- Được giao quản lý theo khu vực liên tỉnh, liên huyện, có từ 09 tổ chức trực thuộc trở lên;
- Được giao nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính 24/24 giờ trong ngày.
3. Tiêu chí thành lập, số lượng cấp phó của người đứng đầu chi cục thuộc cục thuộc tổng cục thuộc bộ thực hiện theo quy định về tiêu chí thành lập, số lượng cấp phó của người đứng đầu chi cục thuộc cục thuộc bộ. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định hoặc phân cấp cho Tổng cục trưởng quyết định số lượng cấp phó của người đứng đầu chi cục theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều này, bảo đảm bình quân mỗi chi cục không quá 03 cấp phó”.
- Sửa đổi, bổ sung khoản 12 về số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, cục, thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục thuộc bộ.
+ Đánh giá khó khăn, bất cập: Một số Cục được tổ chức theo ngành dọc đặt tại địa phương có phạm vi quản lý rộng, biên chế nhiều, giải quyết thủ tục hành chính 24/24h như lĩnh vực thuế, hải quan, ... chỉ được bố trí tối đa không quá 03 cấp phó sẽ khó đáp ứng được yêu cầu công việc.
+ Để khắc phục vấn đề nêu trên và bảo đảm không làm tăng tổng số lượng cấp phó được xác định theo tiêu chí quy định tại Nghị định 101/2020/NĐ-CP (đã báo cáo Bộ Chính trị tại Tờ trình số 692-TTr/BCSĐCP), đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 12 Điều 1 như sau:
“5. Số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, cục, thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục thuộc bộ:
a) Vụ thuộc tổng cục có từ 15 đến 20 biên chế công chức được bố trí không quá 02 cấp phó; có trên 20 biên chế công chức được bố trí không quá 03 cấp phó;
b) Cục, thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục có dưới 04 tổ chức được bố trí không quá 02 cấp phó; có từ 04 tổ chức trở lên được bố trí không quá 03 cấp phó;
c) Cục đặt tại địa phương thuộc Tổng cục được tổ chức theo hệ thống ngành dọc được bố trí không quá 03 cấp phó;
d) Đối với vụ, cục, thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục được tổ chức theo hệ thống ngành dọc có cục trực thuộc đặt tại địa phương theo quy định của pháp luật và đáp ứng đủ điều kiện bố trí không quá 03 cấp phó theo quy định tại điểm a, b hoặc điểm c khoản này thì căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng có quan ngang Bộ quyết định số lượng cấp phó của từng tổ chức bình quân không quá 03 cấp phó”.
Châu Thanh
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |