Dưới đây là bài viết về chế độ báo cáo về hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá từ 01/7/2024.
Chế độ báo cáo về hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá từ 01/7/2024 (Hình từ internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Ngày 16/5/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 38/2024/TT-BTC quy định về đánh giá hoạt động doanh nghiệp thẩm định giá; trích lập dự phòng rủi ro nghề nghiệp, chế độ báo cáo về hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá và chi phí phục vụ cho việc thẩm định giá của hội đồng thẩm định giá.
Theo đó, Chế độ báo cáo về hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá như sau:
- Báo cáo định kỳ:
+ Định kỳ từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 3 hằng năm, doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện báo cáo theo mẫu Báo cáo tình hình doanh nghiệp và một số chỉ tiêu hoạt động thẩm định giá quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. Thời gian chốt số liệu báo cáo tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm liền trước năm thực hiện báo cáo. Thời hạn gửi báo cáo chậm nhất vào ngày 31 tháng 3 của năm thực hiện báo cáo;
+ Định kỳ sau ngày 15 tháng 12 của năm, doanh nghiệp thẩm định giá báo cáo theo mẫu Báo cáo rà soát danh sách thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này. Thời gian chốt số liệu của báo cáo là ngày 15 tháng 12 của năm báo cáo. Thời hạn gửi báo cáo chậm nhất vào ngày 20 tháng 12 của năm báo cáo.
- Báo cáo định kỳ theo quy định nêu trên được gửi về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) bằng một trong các phương thức sau:
+ Gửi trực tiếp tại bộ phận văn thư của Bộ Tài chính;
+ Gửi qua dịch vụ bưu chính;
+ Gửi qua fax hoặc thư điện tử theo địa chỉ baocaotdg@mof.gov.vn (bản scan);
+ Gửi qua hệ thống phần mềm thông tin báo cáo chuyên dùng của Bộ Tài chính (nếu có).
- Báo cáo đột xuất: Doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện báo cáo đột xuất đối với các nội dung liên quan đến việc chấp hành pháp luật về thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp trong các trường hợp sau:
+ Theo yêu cầu bằng văn bản của Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá);
+ Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để phục vụ xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm liên quan đến chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá do doanh nghiệp thẩm định giá phát hành theo quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm toán nhà nước, tố tụng hình sự.
- Doanh nghiệp thẩm định giá chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin, số liệu tại các báo cáo.
(Điều 5 Thông tư 38/2024/TT-BTC)
Theo Điều 4 Thông tư 38/2024/TT-BTC quy định về trích lập dự phòng rủi ro nghề nghiệp của doanh nghiệp thẩm định giá như sau:
- Doanh nghiệp thẩm định giá không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thẩm định giá thì phải trích lập dự phòng rủi ro nghề nghiệp với mức trích hằng năm là 1% trên doanh thu dịch vụ thẩm định giá (doanh thu không có thuế giá trị gia tăng), được trích vào cuối năm tài chính và được hạch toán như trường hợp trích lập dự phòng phải trả.
- Trường hợp dự phòng rủi ro nghề nghiệp của doanh nghiệp có số dư cuối năm tài chính vượt mức 10% doanh thu dịch vụ thẩm định giá (doanh thu không có thuế giá trị gia tăng) tính trung bình trong 03 năm gần nhất, doanh nghiệp thực hiện hoàn nhập đối với phần vượt mức và hạch toán vào thu nhập khác của doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng và ban hành quy chế nội bộ quản lý và sử dụng dự phòng rủi ro nghề nghiệp.
- Trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động thẩm định giá thì số dư dự phòng rủi ro nghề nghiệp đã trích lập nhưng chưa sử dụng hết được hạch toán vào thu nhập khác của doanh nghiệp.
Nguyễn Ngọc Quế Anh
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |