Cách xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường của Nhà nước trong tố tụng hình sự, hành chính

Cách xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường của Nhà nước trong tố tụng hình sự, hành chính
Tran Thanh Rin

Tôi muốn biết làm sao để xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường của Nhà nước trong tố tụng hình sự, hành chính? – Mỹ Tâm (Ninh Thuận)

Cách xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường của Nhà nước trong tố tụng hình sự, hành chính

Cách xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường của Nhà nước trong tố tụng hình sự, hành chính (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

Ngày 24/8/2023, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư 02/2023/TT-TANDTC hướng dẫn thi hành Điều 55 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Cách xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường của Nhà nước trong tố tụng hình sự, hành chính

Cụ thể, cách xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính được quy định như sau:

(1) Tòa án đang giải quyết theo thủ tục sơ thẩm vụ án hình sự có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước khi vụ án có đủ các điều kiện sau đây:

- Bị can, bị cáo là người thi hành công vụ trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự có hành vi quy định tại Điều 17, Điều 19, Điều 20 và Điều 21 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;

- Hành vi của bị can, bị cáo bị truy tố gây ra thiệt hại và yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có liên quan với nhau;

- Có yêu cầu bồi thường của người có quyền yêu cầu bồi thường quy định tại Điều 5 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

(2) Tòa án đang giải quyết theo thủ tục sơ thẩm vụ án hành chính có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước khi vụ án có đủ các điều kiện sau đây:

- Người bị kiện có quyết định hành chính, hành vi hành chính quy định tại Điều 7 của Luật Tố tụng hành chính và Điều 17 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;

- Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện gây ra thiệt hại và yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có liên quan với nhau;

- Có yêu cầu bồi thường của người có quyền yêu cầu bồi thường quy định tại Điều 5 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

(3) Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, Tòa án không giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự khi bị can, bị cáo là người thi hành công vụ có hành vi gây thiệt hại quy định tại Điều 18 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Việc giải quyết yêu cầu bồi thường trong trường hợp này được thực hiện tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại theo quy định tại Mục 1 Chương V của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

(Điều 3 Thông tư 02/2023/TT-TANDTC)

Cách xác định thiệt hại được bồi thường của Nhà nước trong tố tụng hình sự, hành chính

Việc xác định thiệt hại được bồi thường thuộc trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong tố tụng hình sự, tố tụng hình hành chính được quy định như sau:

- Ngay sau khi nhận được yêu cầu bồi thường, Thẩm phán, Hội đồng xét xử phải thu thập tài liệu, chứng cứ có liên quan, xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ, chính xác tài liệu, chứng cứ đã thu thập để xác định thiệt hại nhanh chóng, theo đúng quy định của pháp luật.

- Việc xác định thiệt hại được bồi thường thực hiện theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

(Điều 6 Thông tư 02/2023/TT-TANDTC)

Nguyên tắc bồi thường của Nhà nước

Theo Điều 4 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, các nguyên tắc bồi thường của Nhà nước bao gồm:

- Việc bồi thường của Nhà nước được thực hiện theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.

- Việc giải quyết yêu cầu bồi thường được thực hiện kịp thời, công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật; được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan giải quyết bồi thường và người yêu cầu bồi thường theo quy định Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.

Việc giải quyết yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại theo quy định tại Mục 1 Chương V Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.

- Người yêu cầu bồi thường đã yêu cầu một trong các cơ quan giải quyết bồi thường quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 giải quyết yêu cầu bồi thường và đã được cơ quan đó thụ lý giải quyết thì không được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 52 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.

- Nhà nước giải quyết yêu cầu bồi thường sau khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường hoặc kết hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Tòa án đối với yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự theo quy định Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.

- Trường hợp người bị thiệt hại có một phần lỗi trong việc gây ra thiệt hại thì Nhà nước chỉ bồi thường phần thiệt hại sau khi trừ đi phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của người bị thiệt hại.

Thông tư 02/2023/TT-TANDTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/10/2023.

781 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;