12 mục tiêu quy hoạch tài nguyên nước đến năm 2023

Tại Quyết định 1622/QĐ-TTg, Thủ tướng đã đề ra những mục tiêu nào trong quy hoạch tài nguyên nước đến năm 2023? - Quang Huy (Bình Định)

12 mục tiêu quy hoạch tài nguyên nước đến năm 2023

12 mục tiêu quy hoạch tài nguyên nước đến năm 2023 (Hình từ Internet)

Ngày 27/12/2023, Thủ tướng ban hành Quyết định 1622/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Thủ tướng đã đề ra các mục tiêu quy hoạch tài nguyên nước đến năm 2023 như sau:

12 mục tiêu quy hoạch tài nguyên nước đến năm 2023

Cụ thể, các mục tiêu quy hoạch tài nguyên nước đến năm 2023 như sau:

(1) Điều hòa, phân phối tài nguyên nước công bằng, hợp lý giữa các ngành, địa phương, các đối tượng khai thác, sử dụng nước theo quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, đảm bảo chiến lược phát triển kinh tế, an sinh xã hội.

(2) Đến năm 2025, 100% lưu vực sông lớn, quan trọng có quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh.

(3) Đảm bảo nguồn nước góp phần nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt của dân cư đô thị đạt 95% - 100% và 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch.

(4) Kiểm soát cơ bản 90% các hoạt động khai thác, sử dụng nước; nâng cao hiệu quả, năng lực khai thác, sử dụng nước và giảm tối đa thất thoát nước trong hệ thống các công trình thủy lợi; giảm tỷ lệ thất thoát nước trong hoạt động cấp nước xuống 10%.

(5) Khắc phục hiệu quả tình trạng hạn hán, thiếu nước vào mùa khô ở các lưu vực sông, các vùng khó tiếp cận nguồn nước, đặc biệt là các vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, vùng sâu, vùng xa và các đảo.

(6) Bảo vệ, kiểm soát, ngăn chặn và giảm thiểu tối đa tình trạng gia tăng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, phấn đấu đến năm 2030 thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường đạt từ 30% tổng lượng nước thải tại các đô thị loại II trở lên và 10% tại các đô thị từ loại V trở lên.

(7) Cải thiện, phục hồi các nguồn nước quan trọng bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, ưu tiên các đoạn sông chảy qua khu vực dân cư tập trung, các nguồn nước có vai trò quan trọng cho cấp nước sinh hoạt, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xã hội hóa, đặc biệt là trên dòng chính sông Hồng, sông Cả, sông Vu Gia - Thu Bồn và sông Ba.

(8) Hoàn thành việc khoanh định, công bố vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; các ao, hồ, đầm, phá không được san lấp; phòng, chống sụt, lún do khai thác nước dưới đất.

(9) Hoàn thành việc lập, công bố hành lang bảo vệ nguồn nước, đảm bảo lưu thông dòng chảy, phòng, chống sạt, lở bờ, bãi sông, giảm thiểu tác hại do nước gây ra.

(10) Bảo vệ các nguồn nước liên quan đến hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, có giá trị cao về đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa.

(11) Nâng cao mức đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia lên nhóm các quốc gia đảm bảo an ninh tài nguyên nước hiệu quả trong khu vực Đông Nam Á.

(12) Quản trị ngành nước trên nền tảng công nghệ số, đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phạm vi quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Phạm vi quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xác định như sau:

- Các vùng phát triển kinh tế - xã hội:

+ Vùng trung du, miền núi Bắc bộ: Gồm 14 tỉnh vùng trung du, miền núi Bắc bộ thuộc thượng, trung lưu lưu vực sông Hồng - Thái Bình (khoảng 79% diện tích vùng), lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng (khoảng 12% diện tích vùng) và một phần thượng lưu lưu vực sông Mã (khoảng 9% diện tích vùng).

+ Vùng đồng bằng sông Hồng: gồm 11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng , thuộc hạ lưu của lưu vực sông Hồng - Thái Bình (khoảng 86% diện tích vùng) và thuộc các sông độc lập ven biển Quảng Ninh (khoảng 14% diện tích vùng).

+ Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung: gồm 14 tỉnh miền Trung thuộc lưu vực sông Mã, sông Cả, sông Hương, Vu Gia - Thu Bồn, sông Trà Khúc, Kôn - Hà Thanh, các sông ven biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận (khoảng 86% diện tích vùng), một phần hạ lưu lưu vực sông Ba và sông Đồng Nai (khoảng 14% diện tích vùng).

+ Vùng Tây Nguyên: gồm 5 tỉnh (Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) thuộc lưu vực sông Sê San, sông Srêpốk (khoảng 57% diện tích vùng), một phần thượng lưu lưu vực sông Đồng Nai (khoảng 21% diện tích vùng) và phần thượng lưu lưu vực sông Ba (khoảng 22% diện tích vùng).

+ Vùng Đông Nam Bộ: gồm 6 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ chủ yếu thuộc lưu vực sông Đồng Nai (khoảng 92% diện tích vùng) và nhóm lưu vực sông Ray và phụ cận thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (chiếm 8% diện tích vùng).

+ Vùng đồng bằng sông Cửu Long: gồm 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long phần lớn thuộc lưu vực sông Cửu Long (khoảng 93% diện tích vùng), một phần thuộc lưu vực sông Đồng Nai (khoảng 7% diện tích vùng).

- Các lưu vực sông gồm: 13 lưu vực sông lớn (Bằng Giang - Kỳ Cùng, Hồng - Thái Bình, Mã, Cả, Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn - Hà Thanh, Ba, Sê San, Srêpok, Đồng Nai, Cửu Long), nhóm lưu vực sông ven biển trên lãnh thổ Việt Nam.

- Các đảo: Vân Đồn, Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc. Đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và các đảo nhỏ khác được nghiên cứu thực hiện trong các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành và quy hoạch tỉnh.

Xem thêm Quyết định 1622/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Thanh Rin

574 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;