Bài viết sau đây có nội dung về nguyên tắc hoạt động của hội đồng thẩm định giá nhà nước được quy định trong Luật Giá 2023.
04 nguyên tắc hoạt động của hội đồng thẩm định giá nhà nước theo Luật Giá 2023 (Hình từ Internet)
Theo quy định tại khoản 16 Điều 4 Luật Giá 2023 thì thẩm định giá là hoạt động tư vấn xác định giá trị của tài sản thẩm định giá tại một địa điểm, thời điểm, phục vụ cho mục đích nhất định do doanh nghiệp thẩm định giá, hội đồng thẩm định giá thực hiện theo Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Giá 2023 thì nguyên tắc hoạt động của hội đồng thẩm định giá nhà nước bao gồm:
- Hội đồng thẩm định giá làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số. Phiên họp thẩm định giá chỉ được tiến hành khi có mặt ít nhất 2/3 số lượng thành viên của hội đồng thẩm định giá trở lên tham dự và do Chủ tịch hội đồng thẩm định giá điều hành; trước khi tiến hành phiên họp thẩm định giá, những thành viên vắng mặt phải có văn bản gửi tới Chủ tịch hội đồng thẩm định giá nêu rõ lý do vắng mặt và có ý kiến độc lập của mình về các vấn đề liên quan đến giá của tài sản cần thẩm định giá. Trường hợp hội đồng thẩm định giá chỉ có 03 thành viên thì phiên họp phải có mặt đủ 03 thành viên;
- Hội đồng thẩm định giá lập biên bản phiên họp, báo cáo thẩm định giá và thông báo kết quả thẩm định giá theo ý kiến đa số đã được biểu quyết thông qua của thành viên Hội đồng thẩm định giá có mặt tại phiên họp. Trong trường hợp có ý kiến ngang nhau thì ý kiến của bên có biểu quyết của Chủ tịch hội đồng thẩm định giá là ý kiến quyết định của hội đồng về giá trị của tài sản thẩm định giá. Thành viên của hội đồng thẩm định giá có quyền bảo lưu ý kiến của mình nếu không đồng ý với giá trị của tài sản do hội đồng quyết định; ý kiến bảo lưu đó được ghi vào biên bản phiên họp hội đồng thẩm định giá;
- Hội đồng thẩm định giá theo quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật Giá 2023 tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ quy định tại Quyết định thành lập hội đồng. Các trường hợp phát sinh sau khi hội đồng thẩm định giá giải thể sẽ do cơ quan có thẩm quyền thành lập hội đồng chủ trì xử lý;
- Hội đồng thẩm định giá được sử dụng con dấu của cơ quan quyết định thành lập hội đồng thẩm định giá hoặc cơ quan nơi Chủ tịch hội đồng thẩm định giá công tác.
Hồ sơ thẩm định giá của Nhà nước được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 66 Luật Giá 2023 bao gồm:
- Văn bản giao nhiệm vụ bán, thanh lý, cho thuê, liên doanh, liên kết, chuyển giao tài sản công hoặc mua, đi thuê hàng hóa, dịch vụ, tài sản có sử dụng vốn nhà nước;
- Thông tin, tài liệu về tài sản cần thẩm định giá;
- Quyết định thành lập hội đồng thẩm định giá;
- Các tài liệu do hội đồng thẩm định giá thu thập, phân tích trong quá trình thẩm định giá; các báo cáo chuyên gia, chứng thư thẩm định giá kèm Báo cáo thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá (nếu có);
- Biên bản phiên họp của hội đồng thẩm định giá; báo cáo thẩm định giá và Thông báo kết quả thẩm định giá của hội đồng thẩm định giá;
- Tài liệu khác có liên quan đến việc thẩm định giá (nếu có).
Xem thêm Luật Giá 2023 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật Giá 2023 .
Khoản 2 Điều 60 Luật Giá 2023 có hiệu lực từ ngày 01/01/2026.
Luật Giá 2012 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Giá 2023 có hiệu lực thi hành, trừ các quy định tại Điều 75 Luật Giá 2023.
Võ Tấn Đại
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |